Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Getty |
Tại cuộc họp báo thường niên diễn ra ở Bắc Kinh hôm nay, ông Vương ngang nhiên nói, tuyên bố về tự do hàng hải mà nước ngoài đưa ra không cho quốc gia đó có quyền làm những điều họ muốn. Theo AP, ông Vương muốn ám chỉ việc Mỹ thời gian qua đưa tàu hải quân vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông.
Ông Vương cũng tỏ rõ sự ngang ngược khi nói Bắc Kinh sẽ không cho phép các quốc gia khác xâm phạm cái mà nước này coi là "quyền chủ quyền trong khu vực chiến lược quan trọng". Ngoại trưởng Trung Quốc lớn tiếng nói rằng việc nước này quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp trên biển là hợp pháp bởi "Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện ra chúng".
Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách đánh lạc hướng những lời cáo buộc rằng nước này đang quân sự hóa Biển Đông với việc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo. "Hành động của Trung Quốc nhằm mục đích phòng thủ và Trung Quốc không phải là nước quân sự hóa", ông này biện bạch.
“Trung Quốc không nên bị gán cho là nước quân phiệt nhất. Từ ngữ này phù hợp với các nước khác”, ông Vương lớn giọng nói.
Trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục lặp lại luận điệu, các đảo ở Biển Đông là một phần lãnh thổ "không thể thiếu" của Trung Quốc. Theo ông này, mỗi người Trung Quốc "phải có nghĩa vụ bảo vệ chúng" và Bắc Kinh sẽ không hợp tác với Tòa án Trọng tài quốc tế, cơ quan đang thụ lý vụ kiện của Philippines về tuyên bố “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra.
Ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc
đang mở rộng bồi đắp phi pháp ở Hoàng Sa. Ảnh: Digital Global |
Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ của quốc hội Trung Quốc ngày 7/3, La Bảo Minh, bí thư tỉnh Hải Nam, trắng trợn nói, các ngư dân nước này hoạt động ở Biển Đông là “bằng chứng cho thấy quyền và lợi ích của hàng hải của Bắc Kinh”.
“Nếu có thể nói rằng chúng tôi muốn bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông thì các ngư dân là bằng chứng cho quyền và lợi ích của chúng tôi bởi họ đã sống và mưu sinh bằng nghề cá hàng trăm năm qua”, ông La biện hộ.
Đại sứ Trung Quốc ở Washington Thôi Thiên Khải cũng cảnh báo Mỹ sẽ “trả giá rất đắt” cho các tính toán sai lầm chiến lược ở Biển Đông, trong bối cảnh Mỹ đưa tàu sân bay đến khu vực này.
Đại sứ Trung Quốc nói, một quan điểm đang tồn tại ở Mỹ là Trung Quốc muốn thách thức việc Mỹ thể hiện bá quyền ở Biển Đông, qua các hành động như xây dựng và bồi lắp các đảo nhân tạo, xây cơ sở quân sự như đường băng, và triển khai vũ khí bao gồm máy bay, tên lửa… “Đây là một điển hình của sự phán xét sai lầm chiến lược. Tôi kêu gọi Washington không lặp lại những sai lầm trong quá khứ”, ông Thôi nói.
Vào giữa tháng 2, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, như triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Những hành động của Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội của thế giới, bao gồm giới chức quân sự Mỹ. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cảnh báo tham vọng của Trung Quốc là muốn giành quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Ông lo ngại “khả năng nước này tiến tới tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ)” ở Biển Đông.
Ngày 4/3, các quan chức quân sự Mỹ cho biết tàu sân bay John C. Stennis cùng một số tàu chiến đã hoạt động ở Biển Đông những ngày gần đây. Một số chuyên gia nhận định sự hiện diện của các tàu, cụ thể là tàu Stennis, là tín hiệu rõ ràng gửi đến Trung Quốc và khu vực.
Cũng trong buổi họp báo, ông Vương nghị cũng lên tiếng về vấn đề Triều Tiên, chỉ trích lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
“Việc giải quyết triệt để vấn đề bán đảo Triều Tiên cần có hành động toàn diện và loại thuốc đúng cho căn bệnh này. Lòng tin mù quáng với lệnh trừng phạt và áp lực của quốc tế là một cách tiếp cận thực sự vô trách nhiệm đối với tương lai bán đảo Triều Tiên”, ông Vương nói.
Ông này nhấn mạnh, với tư cách là nước láng giềng lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc “sẽ không ngồi yên và nhìn sự ổn định trên bán đảo này bị phá hủy ở mức cơ bản”.
Theo Reuters, các chuyên gia độc lập thường hoài nghi về quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nói, họ sẽ thực thi lệnh trừng phạt “một cách tận tâm”.
“Tại thời điểm này, với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, có những thanh kiếm được rút ra và chĩa vào nhau trong sự thù hận. Không khí đang trở nên bão hòa với mùi của thuốc súng”, ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Ông Vương cũng đề cập tới mối quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản, nói rằng ông hy vọng có thể cải thiện tình hình giữa hai quốc gia "vốn có truyền thống hữu nghị".
"Tất nhiên, chúng ta muốn thấy quan hệ Trung - Nhật được cải thiện, nhưng như câu tục ngữ đã nói, muốn trị bệnh thì phải trị tận gốc vấn đề", ông Vương Nghị nói.
Trung Quốc bơm tiền hỗ trợ ngư dân bành trướng Biển Đông
Giới chức lãnh đạo đảo Hải Nam, Trung Quốc cho biết, họ khuyến khích ngư dân đi tới khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời trợ giá cho ngư dân trong những chuyến đi như thế. Hiện tại, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.
Phát biểu trong phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, ông Luo Baoming, bí thư tỉnh Hải Nam, cho rằng, việc khuyến khích ngư dân bành trướng trên Biển Đông giúp Trung Quốc có bằng chứng về cái gọi là quyền và lợi ích của quốc gia này trên Biển Đông. Những năm gần đây, ngư dân Trung Quốc liên tiếp tìm kiếm ngư trường mới trong vùng biển vốn là ngư trường truyền thống của các nước Đông Nam Á. Quan chức Trung Quốc cũng thừa nhận các hoạt động cải tạo trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cuối năm 2015, phóng viên BBC đã tiến sát khu vực ngư dân Trung Quốc khai thác trên các đá và rạn san hô ở Biển Đông và chứng kiến cảnh người Trung Quốc hủy diệt môi trường sinh thái. Theo BBC, ngư dân Trung Quốc có thể mặc sức tàn phá đáy biển bởi chúng được sự hậu thuẫn của lực lượng tàu hải giám, hải cảnh và ngư chính của Trung Quốc.