Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'TQ vẫn tham vọng ở Biển Đông dù giảm tăng chi tiêu quân sự'

Đây là nhận định của TS Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, HV Ngoại giao khi trao đổi với Zing.vn về kế hoạch giảm tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc.

Chiến hạm Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

- Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc luôn duy trì tăng chi ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số. Từ 2005 tới nay, Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng đạt trung bình 9,5 % mỗi năm. Việc tăng chi ở mức 7,6% trong năm 2016 phán ánh gì về kinh tế, xã hội của Trung Quốc?

- Việc giảm tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 có nhiều thông điệp. Thứ nhất, bản thân ông Tập Cận Bình muốn quân đội chia sẻ gánh nặng chung trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang có xu thế đi xuống. Việc giảm tăng ngân sách cho quốc phòng cũng nằm trong một chuỗi hệ quả của khó khăn kinh tế. Không chỉ quân đội mà nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng.

Thứ hai, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng được giao những nhiệm vụ nặng nề, việc giảm tăng ngân sách cho thấy ông Tập Cận Bình đang kiểm soát quân đội tốt hơn. Tuy nhiên, ngân sách năm nay giảm chưa bao gồm hai yếu tố quan trọng.

Một là Trung Quốc đang chuẩn bị cắt giảm 300.000 quân. Mỗi quân nhân bị cho về trước tuổi sẽ được đền bù 500.000 nhân dân tệ (khoảng 80.000 USD) cùng một khoản trợ cấp nhà ở. Khoản tiền tối thiểu 150 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) sẽ không được tính vào ngân sách quân đội.

Hai là một số hạng mục cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên Biển Đông và những khu vực khác không được tính vào ngân sách quân sự mà là ngân sách dân sự.

Trên thực tế, mức tăng kinh phí cho ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay chưa phản ánh hết hoạt động chi tiêu quân sự của nước này, nhất là những khoản chi nằm dưới cái mũ dân sự. Việc giảm tăng chi tiêu quốc phòng cũng là thông điệp nhằm làm mềm quan hệ với các nước.

- Việc tăng chi ngân sách quốc phòng thấp có tác động tới chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông?

TQ van tham vong o Bien Dong anh 1

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Duy Hiếu

- Trong chi tiêu quốc phòng năm nay, Trung Quốc nói rõ sẽ tăng cường hiện diện nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên biển. Những ưu tiên mạnh mẽ cho hải quân và không quân vẫn sẽ được Trung Quốc tiếp tục duy trì. Do vậy, dù Trung Quốc giảm tăng chi tiêu quốc phòng nhưng có lẽ, Bắc Kinh sẽ tiếp tục, thậm chí tăng cường các hoạt động trên biển nhằm đạt được mục đích. Đây vẫn là thách thức với các nước trong khu vực.

- Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp tiến hành các hoạt động cải tổ, nhằm hiện đại hóa quân đội. Việc tăng chi ngân sách quốc phòng thấp có ảnh hưởng tới quá trình này hay khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc?

- Ở hiện tại, chưa thể đánh giá về tác động của việc giảm tăng chi tiêu quốc phòng tới quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc vì nó phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chi tiêu cụ thể cũng như các hạng mục được đầu tư. Nếu có thể cắt giảm những khoản chi đang bị lãng phí, nó sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của quân đội.

- Ông đánh giá như thế nào trước quan điểm cho rằng Trung Quốc giảm tăng ngân sách quốc phòng để xoa dịu các nước Đông Nam Á?

- Đây là một trong những lập luận mà học giả và giới chuyên gia Trung Quốc đưa ra sau khi công bố mức tăng ngân sách quốc phòng 7,6% trong năm 2016. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc có xoa dịu các nước hay không thì cần xem xét hành động cụ thể của Bắc Kinh. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào hành động chứ không phải những gì tồn tại trên giấy tờ, sách vở hoặc tuyên bố.

TQ van tham vong o Bien Dong anh 2
Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc thử nghiệm trên biển. Ảnh: Tân Hoa Xã

- Việc tăng chi ngân sách quốc phòng ở mức 7,5% trong bối cảnh Bắc Kinh liên tiếp gây hấn ở Hoa Đông và Biển Đông, có thể làm Trung Quốc thất thế trước Mỹ, quốc gia đang đầu tư nhiều tiền của cho nỗ lực chuyển trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương?

- Không chỉ riêng Trung Quốc, bản thân Mỹ cũng đang có những khó khăn nội bộ. Bản thân họ cũng phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong kế hoạch 10 năm. Theo quan điểm của tôi, trước mắt, việc giảm tăng ngân sách quốc phòng chưa có ảnh hưởng gì nhiều tới vị thế của Trung Quốc với Mỹ và các nước khác.

- Có ý kiến cho rằng ông Tập Cận Bình đang sử dụng kinh tế để tăng cường kiểm soát quân đội. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

- Tôi cho rằng đây là một ý. Trong việc kiểm soát nguồn lực của quân đội, ông Tập đang cho thấy mình làm tốt hơn so với trước đây. Ông Tập đang dùng kinh tế để làm công cụ cho việc quản lý của mình.

Tướng TQ công khai bày tỏ thất vọng vì chi tiêu quốc phòng

Các chuyên gia và giới phân tích quân sự nhận định, mức tăng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 “thấp một cách đáng ngạc nhiên”. Nó cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không sợ làm mất lòng các sĩ quan cao cấp cũng như thể hiện khả năng kiểm soát quân đội thông qua các biện pháp kinh tế, SCMP đưa tin.

Phát biểu trong phiên thảo luận của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Thiếu tướng Tiền Lợi Hoa, cựu trưởng ban đối ngoại của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng mức tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay có thể bị coi là “giảm lớn” nếu so sánh với năm ngoái. Theo công bố ngày 5/3, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng 7,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng 10,1% trong năm 2015.

“Truyền thông phương Tây dự đoán mức tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm lên tới 20%. Kết quả không chỉ thấp hơn nhiều so với dự đoán của truyền thông phương Tây mà còn thua xa so với dự đoán mà tôi đưa ra”, tướng Tiền Lợi Hoa nói.

Đô đốc đã nghỉ hưu Doãn Trác cho rằng tăng chi tiêu quốc phòng phải phù hợp với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nó vẫn cần giữ ở một mức nhất định nhằm đảm bảo “nhu cầu an ninh” của quốc gia. Theo ông Doãn, Trung Quốc sẽ không cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực phát triển vũ khí hay sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, việc đổ tiền cho quốc phòng chưa đạt tới 1,5% GDP là quá thấp.

“Tôi nghĩ rằng, số tiền chi cho quân đội đạt từ 2 tới 2,5% GDP là mức tối ưu. Chúng tôi đang lên kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ, vì thế cần có nguồn lực cần thiết để giúp đỡ những cựu binh có cơ hội phát triển”, ông nhận định.

Tại phiên khai mạc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ngày 3/3, Trung tướng Vương Hồng Quang, cựu tư lệnh Quân khu Nam Kinh, cho rằng PLA cần tăng ngân sách quốc phòng 20% trong năm nay để trang trải các khoản chi phí trong quá trình hiện đại hóa quân đội cũng như đối phó với thách thức trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

SCMP dẫn nguồn tin đánh giá rằng "thật thông minh khi phát động chiến dịch chống tham nhũng trước khi cải tổ quân đội. Sau chiến dịch truy quét, một số quan chức quân sự cấp cao tỏ ra dè chừng trước sự sụp đổ của những con hổ lớn". Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn kiểm soát mọi mặt của quân đội. Ông lãnh đạo quân đội với nền tảng dân sự nên sử dụng các chiến dịch chống tham nhũng - rất được công chúng ủng hộ - kiểm soát tài chính để xây dựng uy tín cá nhân. Theo một số nguồn tin, ngân sách quốc phòng giảm tăng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái cho thấy quân đội sẽ có những thiếu tốn về mặt tài chính, SCMP nhận định.

TQ tăng chi quốc phòng thấp nhất 6 năm để xoa dịu láng giềng

Một trong những lý do khiến Trung Quốc tăng chi quốc phòng 2016 ở mức khiêm tốn được cho là để xoa dịu các nước láng giềng sau những căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hồng Duy thực hiện

Bạn có thể quan tâm