Một lính gác bên ngoài Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh trong thời gian diễn ra kỳ họp quốc hội Trung Quốc ngày 7/3. Ảnh: AFP |
Tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc ngày 6/3, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo, nước này đã xử gần 300.000 quan chức trong năm 2015, theo IBTimes.
Truyền thông Trung Quốc dẫn tuyên bố trên trang web của CCDI cho hay, 200.000 đảng viên bị "phạt nhẹ" vì hành vi tham nhũng, trong khi đó 82.000 người khác "bị phạt nặng". Tuy nhiên, cơ quan này không đề cập tới lý do dẫn tới sự khác biệt trong hai hình phạt. CCDI cũng đã gửi 54.000 thư khiển trách tới các quan chức.
Kể từ khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi", tập trung vào các quan chức trong chính phủ, doanh nghiệp nhà nước và cả quân đội.
Tuy nhiên, số lượng cán bộ bị trừng phạt vì tham nhũng trong năm 2015 chỉ là một phần nhỏ của 88 triệu thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các quan lớn lần lượt "ngã ngựa"
Theo Tân Hoa xã, năm 2015, 26 quan chức cấp cao của Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng. Một trong số đó là Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh đồng thời là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chu chịu án chung thân hồi tháng 6/2015 sau phiên xử kín về bê bối tham nhũng chấn động Trung Quốc trong 70 năm qua. Trong khi đó, một nhân vật khác bị "trảm" năm ngoái là Liêu Vĩnh Viễn, cựu phó chủ tịch tập đoàn dầu khí khổng lồ PetroChina. CCDI cáo buộc Liêu nhận hối lộ "rất lớn".
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang . Ảnh: Reuters |
Hồi tháng 12/2014, trong chuyến thăm Sở chỉ huy quân khu Nam Kinh, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ông Tập nêu ví dụ về vụ bê bối của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu nhằm khẳng định bất cứ vi phạm nào trong quân đội đều không được tha thứ.
Ông Tập cũng đề cập tới một nhân vật quân đội khác "ngã ngựa" là tướng Cốc Tuấn Sơn. Ông Cốc là phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của quân đội cho đến khi bị sa thải vào năm 2012 vì bị cáo buộc bán hàng trăm chức vụ trong quân đội, thu về hàng triệu USD.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc ngày 12/1 đưa tin, cựu thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh chịu án 15 năm vì tội tham nhũng. Ông này có mối liên hệ mật thiết với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, theo Reuters. Một tòa án tại tỉnh Thiên Tân cáo buộc Lý nhận hối lộ 22 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu USD) và lạm dụng quyền lực khi đương chức từ năm 1996 tới 2013.
Không chỉ dừng lại ở việc trừng phạt các quan tham đang sống trong nước, tháng 4/2015, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch xuyên quốc gia mang tên "Lưới trời" nhằm đẩy mạnh truy quét tội phạm kinh tế, quan chức tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản để sung công quỹ. Sáng kiến này có sự tham gia của các quan chức thuộc cơ quan giám sát tham ô, CCDI, Bộ Công an, Kiểm sát viên tối cao, ngân hàng nhà nước.
Theo Tân Hoa xã, Hoàng Ngọc Vinh,64 tuổi), một trong những quan chức của Trung Quốc bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng và lẩn trốn tại Mỹ từ năm 2002, được đưa về nước hôm 5/12. Bà Hoàng cũng nằm trong danh sách 100 quan tham sống lưu vong mà chính phủ muốn truy tìm nhất.
Đứng đầu danh sách truy nã là Dương Tú Châu, bỏ trốn khỏi Trung Quốc năm 2013 và bị bắt giữ sau khi đến Mỹ bằng hộ chiếu giả năm 2014. Trước khi chạy trốn, bà này giữ chức phó thị trưởng thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, giám sát các dự án xây dựng những năm 1990 và bị cáo buộc rút ruột hơn 40 triệu USD. Dương từng sở hữu một tòa nhà 5 tầng trị giá 5 triệu USD ở quận Manhattan, New York.
Đấu đá nội bộ?
Theo ông Li Wei bí thư thành ủy thành phố Thường Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm, trong một cuộc họp kín của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 26/1/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "không quan tâm tới cuộc sống, cái chết cũng như danh tiếng để chống tham nhũng". Ông Li cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc đã dùng một số từ ngữ mạnh mẽ và cứng rắn "đến kinh ngạc".
Trong khi đó, tờ South China Morning Post nhận định, phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể cho thấy một cuộc tranh luận hay thậm chí đấu đá nội bộ trong giới chóp bu nước này trước chiến dịch chống tham nhũng do ông khởi xướng.
Theo một nhân vật nắm rõ bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, những lời lẽ mạnh mẽ tại cuộc họp của Bộ Chính trị nhằm phản bác những ý kiến hoài nghi về chiến dịch chống tham nhũng của ông. Ông Tập cũng cảnh báo không giới hạn số lượng quan chức cấp cao trong đảng phải chịu tội nếu có bằng chứng tham nhũng.
Giáo sư Trương Minh thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định, những lời nói của ông Tập cho thấy chiến dịch chống tham nhũng có thể đã thực sự đe dọa một số nhóm lợi ích cấp cao. "Cuộc chiến giữa ông Tập và nhóm lợi ích đã rất quyết liệt và ông cũng nhận ra một điều: chống tham nhũng là cuộc chiến 'được ăn cả, ngã về không'", ông Trương nói.