“Hành động của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, và về bản chất là cực kỳ xấu”, Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ Terry Branstad hôm 9/12.
“Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này, mạnh mẽ thúc giục Mỹ coi trọng lập trường của Trung Quốc và ngay lập tức có biện pháp sửa chữa việc làm sai trái và rút lại lệnh bắt giữ đối với các công dân Trung Quốc”, ông Lạc tuyên bố.
“Trung Quốc sẽ có động thái tiếp theo tùy vào những hành động của Mỹ”, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.
Bà Mạnh Vãn Châu, CFO của Huawei, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Ảnh: AFP. |
Những phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi thứ trưởng Trung Quốc đã có lời cảnh báo tương tự cho Đại sứ Canada John McCallum. Theo Tân Hoa xã, ông Lạc cho rằng việc Canada bắt giữ bà Mạnh tại Vancouver đã gây ra “thiệt hại nặng nề cho quan hệ Trung Quốc - Canada”, đồng thời cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng”.
Bà Mạnh, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị cảnh sát bắt giữ hôm 1/12 tại Vancouver, Canada, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ do bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Phiên điều trần xem xét khả năng được tại ngoại của bà Mạnh sẽ tiếp tục vào ngày 10/12.
Bà Mạnh Vãn Châu (phải) trong phiên điều trần xem xét quyền tại ngoại ở Vancouver ngày 7/12. Ảnh: AP. |
Vụ bà Mạnh bị bắt giữ đã làm gia tăng căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong khi chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp phía Trung Quốc đạt được thỏa thuận đình chiến tại Argentina.
Theo Wall Street Journal, việc bắt giữ nữ thừa kế đồng thời là CFO của Huawei là bước đi mới nhất của giới chức Mỹ trong nỗ lực kéo dài cả thập kỷ nhằm kìm chân gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, tập đoàn công nghệ mà Washington coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo.
Các nhà lập pháp và quan chức Mỹ từ lâu đã theo dõi sát sao việc Huawei dồn ép, thâu tóm các doanh nghiệp phương Tây, trong đó có một số đồng minh quân sự thân cận nhất của Mỹ. Các thiết bị của Huawei bị đưa vào danh sách đen của quốc hội Mỹ từ năm 2012.