Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt 'công chúa Huawei' là đỉnh điểm chiến dịch 10 năm của an ninh Mỹ

Giới chức Mỹ từ lâu đã để mắt tới Huawei do lo ngại tập đoàn này, chịu sự chi phối của chính phủ Trung Quốc, tiến hành gián điệp và tấn công hệ thống viễn thông.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, nữ thừa kế đồng thời là giám đốc tài chính của Huawei, là bước đi mới nhất của giới chức Mỹ trong nỗ lực đã kéo dài cả thập kỷ nhằm kìm chân gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, tập đoàn công nghệ mà Washington coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo.

Theo Wall Street Journal, những chính trị gia hoài nghi về Trung Quốc tại thượng viện và giới tình báo Mỹ để mắt tới Huawei từ năm 2007. Khi gã khổng lồ công nghệ này trở thành nhà sản xuất phần cứng và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Washington cũng tăng cường các biện pháp nhằm công kích Huawei, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Lo ngại gián điệp và tấn công mạng viễn thông

Giới chức Mỹ lo ngại Huawei có thể bị chính phủ Trung Quốc giật dây, tiến hành do thám hoặc vô hiệu hóa hệ thống thông tin liên lạc của Washington cũng như nhiều nước phương Tây. Lo ngại này càng trở nên trầm trọng trong năm 2018 khi Huawei ráo riết chuẩn bị cho làn sóng kết nối mạng 5G, cho phép kết nối Internet hàng loạt những máy móc mới như các cấu thành của nhà máy, xe tự động hay đèn giao thông.

Washington không hề mong muốn Trung Quốc sở hữu tiềm năng theo dõi hoặc can thiệp vào kết nối của hệ thống máy móc lớn ở quy mô như vậy. Các quan chức Mỹ cũng lo ngại thiết kế mạng 5G có thể khiến cơ sở hạ tầng viễn thông dễ dàng trở thành mục tiêu phá hoại hơn.

bat cong chua Huawei anh 1
Sự phát triển của công nghệ 5G làm gia tăng lo ngại của giới chức Mỹ về Huawei. Ảnh: Xinhua.

Ngày nay, các trạm phát sóng phần lớn tách biệt với hệ thống "lõi" của mạng viễn thông, vốn phụ trách nhiệm vụ truyền tải thông tin, dữ liệu. Tuy nhiên, với mạng 5G, các trạm phát sóng nhỏ sử dụng phần cứng sẽ đảm nhận nhiệm vụ truyền phát dữ liệu của hệ thống "lõi". Trong trường hợp các phần cứng bị vũ khí hóa, toàn bộ mạng lưới viễn thông có thể bị vô hiệu hóa.

"Nguy cơ này xảy ra do sự xuất hiện của mạng 5G, đây có lẽ là phát minh viễn thông lớn nhất từ thời Alexander Graham Bell (người phát minh ra điện thoại)", Andy Keiser, cựu nhân viên của ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ, nhận xét.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh dù chiến dịch kiềm tỏa Huawei diễn ra trong thời kỳ cao trào của xung đột thương mại Mỹ - Trung, Washington coi đây là bước đi độc lập vì liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. 

Nếu có thể thuyết phục các đồng minh hưởng ứng chiến dịch tẩy chay Huawei, Washington đánh giá thế giới sẽ hình thành hai mạng lưới viễn thông. Một hệ thống viễn thông tồn tại ở phương Tây không có các thiết bị của Huawei. Hệ thống còn lại chủ yếu được sử dụng tại châu Á và châu Phi, nơi Huawei và ZTE, một tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc, kiểm soát thị trường thiết bị viễn thông.

Hiện tượng ấy phản ánh phần nào hai hệ thống Internet đang tồn tại hiện nay trên thế giới. Một hệ thống chủ yếu sử dụng Google, Facebook và các sản phẩm công nghệ ra đời tại Thung lũng Silicon. Hệ thống còn lại, của Trung Quốc, chủ yếu sử dụng các sản phẩm nội địa của Tencent, mạng xã hội Weibo, và công cụ tìm kiếm Baidu.

Các chuyên gia nhận định, về mặt kỹ thuật, các nhà sản xuất có thể dễ dàng tấn công các thiết bị mạng do chính họ tự sản xuất. Tương tự như điện thoại thông minh thường xuyên phải cập nhật phần mềm, các thiết bị thu phát sóng cũng vậy. Những phần mềm như thế có thể bao gồm hàng triệu dòng code và rất khó để bị phân tích kỹ càng, nhà sản xuất có thể dễ dàng mở cửa hậu để truy cập, tắt phần cứng hoặc đánh cắp dữ liệu.

Những cuộc tấn công như vậy, theo các chuyên gia nhận định, có thể được phát hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây và chỉ có thể diễn ra một lần.

Lập luận của Washington chống lại Huawei, tới nay, chủ yếu dựa trên giả định và khả năng công ty này bị Bắc Kinh chi phối. Trước công luận, các quan chức Mỹ chưa cung cấp bằng chứng công ty công nghệ Trung Quốc tiến hành do thám hay thực hiện bất cứ cuộc tấn công mạng nào.

Huawei tuyên bố bản thân là một doanh nghiệp do người lao động sở hữu và chưa từng tiến hành do thám hay phá hoại cho bất kỳ chính phủ nào. Tập đoàn này cũng khẳng định các thiết bị của mình không dễ bị tổn thương hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh phương Tây nào bởi ngành công nghiệp thiết bị viễn thông toàn cầu có chung chuỗi cung ứng.

bat cong chua Huawei anh 2
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể yêu cầu Huawei phá hoại thông tin liên lạc tại các căn cứ quân sự. Ảnh: Military.

Một số quan chức Mỹ lo ngại sự chi phối của Huawei sẽ để lại hậu quả trong thời chiến. Trong cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và liên minh do Mỹ dẫn đầu, Bắc Kinh có thể thông qua Huawei can thiệp hoặc phá hoại thông tin liên lạc tại sân bay quân sự hoặc các vị trí chiến lược khác.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng Huawei có thể thu thập thông tin tình báo về hoạt động của quân đội bằng cách theo dõi điện thoại cá nhân của các binh sĩ. Ví dụ, nhà sản xuất có thể biết khi nào binh sĩ được triển khai ra khỏi doanh trại hoặc phát hiện ra dấu hiệu bất thường của kết nối mạng chỉ ra các binh sĩ đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ.

Chiến dịch lâu dài chống Huawei

Các nhà lập pháp và quan chức Mỹ từ lâu đã theo dõi sát sao việc Huawei dồn ép, thâu tóm các doanh nghiệp phương Tây, trong đó có một số đồng minh quân sự thân cận nhất của Mỹ. Các thiết bị của Huawei bị đưa vào danh sách đen của quốc hội Mỹ từ năm 2012.

Huawei thống trị thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu với 28% thị phần doanh thu trong quý 3 năm 2018. Nokia của Phần Lan và Ericsson AB của Thụy Điển xếp sau với lần lượt 17% và 13,4% thị phần. Về mảng điện thoại di động, Huawei hiện đã vượt Samsung của Hàn Quốc và chỉ xếp sau Apple của Mỹ.

Trong năm ngoái, giới diều hâu chống Trung Quốc tại quốc hội, cùng giới chức an ninh đã liên kết nhằm tranh thủ sự trợ giúp từ hàng loạt các cơ quan của chính phủ Mỹ như Lầu Năm Góc, bộ Ngoại giao, bộ Thương mại, ủy ban Viễn thông liên bang. Tới năm nay, tất cả các cơ quan này đồng loạt ra các biện pháp siết chặt hoạt động của Huawei trên lãnh thổ nước Mỹ và thúc giục các đồng minh có những biện pháp tương tự.

bat cong chua Huawei anh 3
Báo cáo của Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger kết luận Huawei chịu ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press.

Chiến dịch chống Huawei cũng khiến một số công ty khác bị vạ lây. Vào tháng 3, chính quyền Tổng thống Trump đã ngăn chặn tập đoàn Broadcom của Singapore thâu tóm nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Qualcomm. Một quan chức từ ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ CIFUS cho biết thương vụ này, nếu thành công, sẽ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Qualcomm với đối thủ là Huawei về các bằng sáng chế 5G.

Trong khi đó, giới chức Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của bộ Tư pháp Mỹ với cáo buộc CFO của Huawei đã lừa dối các ngân hàng về quan hệ của tập đoàn này với một công ty tại Iran, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.

Năm 2012, Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger của bang Maryland, khi đó là thành viên của ủy ban Tình báo hạ viện, được mời tới Hong Kong để gặp gỡ Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei và là cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc. Huawei kỳ vọng cuộc gặp có thể giúp tác động lên vị chính trị gia, bảo vệ tập đoàn này trước một cuộc điều tra tại quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, ý đồ của Huawei bất thành. Hạ nghị sĩ Ruppersberger sau đó đồng chấp bút cho một báo cáo của lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa, kết luận Huawei nằm dưới sự ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Tài liệu đó về cơ bản đã khiến Huawei không thể thâu tóm các doanh nghiệp tại Mỹ và đặt nền tảng cho hồ sơ chống Huawei tới hiện tại.

Trong một cuộc phỏng vấn, Hạ nghị sĩ Ruppersberger nhớ lại một câu hỏi ông đặt cho Nhậm Chính Phi và các lãnh đạo Huawei: "Nếu Bắc Kinh bảo các ông rằng họ muốn các ông sử dụng công nghệ của mình để do thám nước Mỹ, và các ông không làm vậy, liệu các ông có đi tù không?"

"Họ không thể trả lời câu hỏi đó", nghị sĩ Ruppersberger nói.

Trung Quốc triệu tập đại sứ Canada về vụ bắt giữ CFO Huawei

Trung Quốc thể hiện sự giận dữ với phía Canada và yêu cầu nước này ngay lập tức thả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, nói rằng việc bắt giữ bà là "vô lương tâm và hèn hạ".

Mỹ bắt 'công chúa Huawei': Đòn chí tử vào tham vọng ‘Made in China’

Việc bắt giữ giám đốc tài chính Huawei cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm "đè bẹp" sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp "Made in China 2025" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Duy Anh

Bạn có thể quan tâm