Tên lửa Đông Phong do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Ausairpower.net |
Báo cáo của Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế (SIPRI, Thuỵ Điển) cho biết, từ năm 2011 đến 2015, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ, tăng đến 88% so với giai đoạn 5 năm trước đây. Bắc Kinh chiếm 5,9% thị trường vũ khí xuất khẩu toàn cầu từ năm 2011 đến 2015, chỉ đứng sau Mỹ và Nga, theo AFP.
Hiện tại, nhóm các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức. “Cách đây 10 năm, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất những thiết bị kỹ thuật thấp. Nhưng điều này đã thay đổi. Vũ khí mà họ sản xuất đã hiện đại hơn thập kỷ trước, thu hút nhiều thị trường lớn”, ông Siemon Wezeman, nghiên cứu viên cao cấp về chương trình thu mua quân sự của SIPRI, nhận định.
Các nước mua vũ khí Trung Quốc tập trung nhiều nhất ở châu Á và châu Đại Dương. Trong số này, các đối tác lớn nhất bao gồm Pakistan (chiếm đến 35%), Bangladesh và Myanmar.
Trong khi đó, từ năm 2011 đến 2015, nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25% so với giai đoạn 5 năm trước. Điều này cho thấy sự tự tin của ngành công nghiệp vũ khí nội địa. Hiện nước này vẫn phải mua những máy bay vận tải lớn, trực thăng, động cơ máy bay, xe cơ giới và tàu thuyền... Trung Quốc cùng với Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những nhà nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình chế tạo vũ khí nội địa của nước này, nhằm đáp ứng tham vọng hàng hải trên Biển Đông và ở Ấn Độ Dương. Tổng ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm 2015 là 886,9 Nhân dân tệ (khoảng 141,45 tỷ USD), tăng 10% so với năm ngoái.
Cũng theo báo cáo của SIPRI, Mỹ vẫn là nước thống trị thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu. Mỹ đã bán vũ khí, hoặc chiếm phần lớn các hợp đồng giá trị lớn, cho ít nhất 96 quốc gia trong 5 năm qua.
Bạn hàng lớn nhất của Mỹ chính là Saudi Arabia và các nước ở khu vực Trung Đông. Tình hình xung đột ở khu vực này là nguyên nhân của đợt mua sắm vũ khí quy mô lớn. Saudi Arabia đang dẫn đầu liên minh không kích phiến quân Houthi ở Yemen.
Trong khi dòng chảy vũ khí đến châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông tăng đều từ năm 2006 đến 2015, khu vực châu Âu chứng kiến sự sụt giảm mạnh, kế đến là Mỹ Latin.