Khách hàng tìm hiểu tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ tại triển lãm Singapore Air Show 2014. Ảnh: Today Online |
Theo Diplomat, thị trường vũ khí thế giới ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, tình hình chính trị có nhiều diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm vũ khí có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực châu Á. Trong đó, các chuyên gia nhận định, Đông Nam Á sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà thầu quốc phòng.
Về quy mô, thị trường Đông Nam Á tương đối nhỏ với giá trị mua sắm hàng năm khoảng 2 đến 3 tỷ USD. Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng kim ngạch khu vực chỉ bằng Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đây là thị trường phát triển nhanh chóng, cởi mở và có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp từ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cùng một số nước khác.
Sở dĩ Đông Nam Á trở nên hấp dẫn vì phần lớn quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ đều giảm chi tiêu cho quốc phòng. Do đó, các nhà thầu quốc phòng lớn ở khu vực này phải tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp nhu cầu trong nước ngày một thu hẹp.
Các tập đoàn như BAE Systems, Thales, Saab có đến 3 phần 4 doanh thu từ thị trường nước ngoài. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu chiếm 90% doanh số mua bán vũ khí của Nga.
Xuất khẩu vũ khí là vấn đề sống còn đối với hầu hết nhà thầu quốc phòng nhưng thị trường toàn cầu gần như đã ở mức bão hòa. Do đó, người bán buộc phải chủ động mời chào những công nghệ mới cho khách hàng.
Một yếu tố khác làm cho "miếng bánh" vũ khí ở Đông Nam Á trở nên hấp dẫn hơn vì khu vực này đang tồn tại nhiều căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo. Các quốc gia có nhu cầu hiện đại hóa quân đội nhằm đảm bảo an ninh trong tình hình mới.
Miếng bánh chia đều cho các nhà thầu
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Nga trưng bày tại triển lãm quốc phòng IDEX-2015 hồi tháng 2 tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ảnh: Arms-expro |
Theo SIPRI, hơn một thập kỷ qua, các quốc gia khu vực đã mua sắm nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nga xuất khẩu tiêm kích hiện đại Su-30 cho một số nước. Indonesia mua 16 máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ T-50 từ Hàn Quốc cùng 24 tiêm kích F-16 nâng cấp của Mỹ.
Singapore nhập khẩu khoảng 24 tiêm kích F-15 và có thể là khách hàng đầu tiên ở Đông Nam Á mua máy bay tàng hình F-35. Philippines tăng cường năng lực không quân với hợp đồng mua 12 tiêm kích hạng nhẹ FA-50 và tùy chọn thêm 24 chiếc từ Hàn Quốc. Thái Lan nhập khẩu 12 chiến đấu cơ Jas-39 Gripen của Thụy Điển.
Hải quân các nước trong khu vực mua sắm tàu ngầm phi hạt nhân từ Hàn Quốc, Đức, Pháp, Thụy Điển và Nga. Malaysia nhập khẩu tàu chiến của Pháp, Đức và Anh, trong khi đó Hà Lan xuất khẩu tàu hộ tống cho Indonesia. Trung Quốc và Hàn Quốc cung cấp tàu chiến cho Thái Lan.
Đối với vũ khí mặt đất, thị trường còn trở nên đa dạng hơn với các nhà cung cấp đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo số liệu của SIPRI, mỗi nhà thầu quốc phòng chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch. Điều đó phản ánh tính đa dạng và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp.
Những yếu tố tác động đến thị trường
Các số liệu mà SIPRI cung cấp cho thấy sự đa dạng của thị trường vũ khí Đông Nam Á. Do đó, giá cả sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Một số nhà thầu mới đến từ Brazil, Ba Lan, Hàn Quốc đang tìm cách thâm nhập sâu vào khu vực làm cho sự cạnh tranh về giá trở nên khốc liệt hơn.
Ngoài yếu tố chi phí, độ tin cậy, hỗ trợ sau bán hàng, chuyển giao công nghệ là vấn đề mang tính quyết định khả năng thành công ở thị trường này.
Bên cạnh đó, một số quốc gia có thể chọn mua vũ khí để đạt mục đích chính trị như tăng cường liên minh quân sự, thúc đẩy khả năng tương tác quốc phòng hoặc tạo mối quan hệ ngoại giao thân mật hơn với một số nước lớn.
Dù lựa chọn mua sắm vũ khí của quốc gia nào, hiện đại hóa quân đội vẫn là mục tiêu số một mà các nước trong khu vực hướng đến.
Các quốc gia muốn có hỏa lực mạnh, chính xác và phạm vi tác chiến lớn hơn, mở rộng năng lực răn đe, đặc biệt trên biển. Đây chính là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến an ninh và ổn định trong khu vực thời gian tới.