Cuộc đua các đơn hàng
Máy bay xếp hàng tại Triển lãm Hàng không Paris 2013. Đây là sự kiện diễn ra 2 năm một lần tại Le Bourget, phía bắc Paris, quy tụ những nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP |
Airbus và Boeing, 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, là đại điện không chính thức cho ngành công nghiệp chế tạo phi cơ châu Mỹ và châu Âu. Tại triển lãm năm nay, cả 2 hãng đều đưa tới những mẫu máy bay hiện đại nhất nhằm thu hút sự chú ý của các khách hàng lớn.
Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough năm 2014, hãng Airbus của châu Âu đã giành được đơn hàng 486 máy bay trị giá 75 tỷ USD. Trong khi đó, Boeing chỉ thuyết phục khách hàng ký cam kết mua 201 máy bay trị giá 40,2 tỷ USD. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Airbus đánh bại Boeing.
Theo các chuyên gia, sức mua tại triển lãm năm nay sẽ ít hơn nhiều so với năm 2014. Các hãng hàng không có nhu cầu mua khoảng 300 máy bay. Trong thời gian qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giảm, kéo tụt chi phí vận hành của các hãng hàng không. Những mẫu máy bay cũ, tiêu hao nhiều nhiên liệu tiếp tục được sử dụng là nguyên nhân khiến thị trường máy bay trở nên ảm đạm hơn.
Tuy cả Boeing và Airbus đều đặt kỳ vọng thấp, cuộc đua giữa 2 “ông lớn” vẫn sẽ rất căng thẳng.
Máy bay chở khách thân rộng so tài
Chiếc Boeing Dreamliner 787-9 cất cánh thử nghiệm trước khi tham dự Paris Air Show. Ảnh: Boeing |
Tại Triển lãm Hàng không Paris năm nay, máy bay điển hình của Boeing là chiếc Dreamliner 787-9 trong khi Airbus mang tới chiếc A350-XWB. Chúng là loại thân rộng, có khả năng chở số lượng lớn hành khách. Tuy nhiên, điểm nhấn của 2 mẫu phi cơ này là hiệu suất động cơ và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Năm 2013, chiếc Airbus A350 cất cánh lần đầu tại Paris và trở thành ngôi sao của triển lãm. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng mua A350 chỉ bằng 1/6 so với Boeing 787. Trong triển lãm năm nay, Airbus sẽ làm hết sức để chứng minh độ hoàn hảo của những chiếc A350 và thu hẹp khoảng cách với 787.
Ngoài ra, 2 nhà sản xuất còn đưa tới triển lãm Airbus A320neo và Boeing 737 MAX. Đây là những mẫu máy bay thân hẹp, thường được dùng ở những chặng bay dưới 4.000 km. Chúng được rất nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng trong những thập niên qua.
Cạnh tranh thị trường
Trong khi Boeing và Airbus đang mải mê đấu đá, hãng Bombardier của Canada bất ngờ thu hút sự chú ý khi chuẩn bị mang tới triển lãm mẫu CS100 và CS300, có khả năng chở 100 tới 149 hành khách. Bombardier là hãng chế tạo máy bay dân sự lớn thứ 3 thế giới, luôn dẫn đầu về các loại phi cơ cá nhân hoặc chuyên cơ.
Công ty có trụ sở tại Montreat, Canada đã đầu tư 5,4 tỷ USD cho mẫu máy bay mới. Theo nhà sản xuất, những chiếc CS100 và CS300 tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với các loại Airbus A320 và Boeing 737. Mẫu phi cơ mới khiến sự cạnh tranh trên thị trường càng trở nên khốc liệt hơn. Tuy nhiên, người dùng được hưởng lợi lớn.
Cuộc đua công nghệ quân sự, không gian
Chiến đấu cơ JF-17 Thunder của Pakistan. Ảnh: Defence.pk |
Bên cạnh những mẫu máy bay mới và ưu việt, người tham dự triển lãm có cơ hội tận thấy những "kỳ quan công nghệ" của 2.000 công ty hàng không vũ trụ khắp thế giới. Một trong những vũ khí thu hút sự tò mò nhất là tên lửa không đối không Meteor, sản phẩm của quá trình hợp tác giữa 6 quốc gia. Nhà sản xuất quảng bá, Meteor khiến mục tiêu “không còn lối thoát”.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (EPA) sẽ thuyết trình bảo vệ Dự án Rosetta, phi thuyền đầu tiên quay quanh quỹ đạo sao chổi. Ngoài ra, họ cũng giới thiệu tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần IXV. Nó hoàn tất sứ mệnh kéo dài 100 phút trên quỹ đạo trái đất hôm 11/2 và trở về an toàn.
Mẫu chiến đấu cơ thu hút sự chú ý tại triển lãm năm nay là JF-17 Thunder, sản phẩm của quá trình hợp tác giữa công ty Thành Đô, Trung Quốc với tập đoàn Hàng không Pakistan. JF-17 là mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm giá rẻ, có khả năng cạnh tranh rất cao với những mẫu phi cơ của Mỹ và châu Âu.