Tổng thống Iran tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Chủ tịch Trung Quốc có chuyến thăm đến Iran vào thời điểm chỉ một tuần sau khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận đối với quốc gia Trung Đông. Bắc Kinh và Tehran ký kết nhiều thỏa thuận và nhất trí nâng cấp quan hệ trở thành “chiến lược” vào ngày 23/1, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi hợp tác kinh tế với Trung Quốc, gọi nước này là “người bạn đã giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn mà Iran sẽ không bao giờ quên”.
Tìm kiếm cơ hội khi Iran sắp “mở cửa"
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã là đối tác thương mại hàng đầu của Iran trong 6 năm liên tiếp, với thương mại song phương đạt mức kỷ lục 52 tỷ USD vào năm 2014.
Nước này cũng là quốc gia mua nhiều dầu thô nhất từ Iran kể từ năm 2011, trong bối cảnh một số quốc gia khác (đặc biệt là phương Tây) gia tăng áp đặt cấm vận, cấm mọi hình thức làm ăn với Iran.
Ngoài các hợp tác về dầu mỏ và khí đốt, ông Pang Sen, đại sứ Trung Quốc tại Iran, nói Iran là một quốc gia quan trọng trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Trung Quốc sẽ tăng cường sự hợp tác về lĩnh vực đường bộ, đường sắt, vận tải biển và Internet. Thông qua đó, chúng ta có thể hỗ trợ giao thương và đầu tư giữa Đông và Tây Á; giảm thiểu sự tốn kém của dòng chảy nguồn nhân lực, hàng hoá và tài chính; củng cố và mở rộng hợp tác năng lượng, tài nguyên…”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu khi đến thăm Iran.
Nhà nghiên cứu Wang Wen ở Đại học Nhân dân (Bắc Kinh) nhận định, nhiều thập kỷ chịu cấm vận quốc tế đã đè nén tiềm năng phát triển của Iran dù nước này có nhiều tài nguyên thiên nhiên, quá trình phát triển công nghiệp tốt, dân số trẻ và có học thức…
“Khi môi trường ‘bên ngoài’ đã được cải thiện, Iran sẽ chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình rất kịp thời, nhằm gia tăng ‘cổ phần’ trong lúc giá vẫn còn ở 'đáy', nhưng chắc chắn sẽ tăng vọt”, ông Wang nói.
Lãnh đạo Iran và Trung Quốc tại cuộc họp báo chung. Ảnh: IRNA |
Giành lợi thế trước phương Tây
Trước khi các lệnh cấm vận lên Iran được dỡ bỏ, nhiều quốc gia, bao gồm Đức và Pháp, đã bày tỏ sự quan tâm việc tái lập các mối quan hệ làm ăn với quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trung Đông Xiao Xian thuộc Đại học Vân Nam nói Trung Quốc có lợi thế không thể thay thế về năng lực sản xuất và phát triển hạ tầng. “Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc - Iran sẽ ngày càng chặt chẽ hơn do bây giờ không còn hạn chế nào nữa”.
Giới phân tích Trung Quốc nhận định, các biên bản thỏa thuận hợp tác mà các đại diện nước này đã ký với Iran cũng sẽ quan trọng tương đương với những văn bản đã ký tại Saudi Arabia.
Nguyên nhân là Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đóng vai trò cân bằng trong mối quan hệ với hai cường quốc ở khu vực, trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran đang trải qua giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, “không như Saudi Arabia, Iran có thể được xem là chiêu mặc cả trong mối quan hệ Trung - Mỹ. Do vậy, Iran có vai trò chiến lược và địa chính trị đặc biệt đối với Trung Quốc. Đó là lý do ông Tập Cận Bình đến thăm cả hai nước và thận trọng duy trì sự cân bằng”, ông Xiao Xian nhận định.