Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Quốc vương Saudi Arabia. Ảnh: SCMP |
Ngày 20/1 (giờ Hà Nội), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Saudi Arabia, bắt đầu chuyến công du Trung Đông gần một tuần. Theo lịch trình, ông sẽ đến Ai Cập và thăm Iran vào cuối tuần. Guo Xiangang, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nhận định ý nghĩa của chuyến đi: "Trung Đông là một khu vực quan trọng đối với Trung Quốc vì trữ lượng dầu mỏ to lớn và vị trí địa chiến lược của nó. Cả ba nước mà ông Tập ghé thăm đều là các cường quốc trong khu vực".
Tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông
Chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran đang trải qua căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng từ đầu tháng này, sau vụ người Iran đốt phá sứ quán của Saudi Arabia để phản đối việc chính quyền Riyadh ra lệnh xử tử một giáo sĩ người Shia. Do vậy, giới quan sát cho rằng chuyến thăm chứng tỏ Bắc Kinh mong muốn tăng cường tham gia vào các vấn đề Trung Đông.
Trên tờ South China Morning Post, ông Xiao Xian, giáo sư về Trung Đông tại Đại học Vân Nam (tỉnh Côn Minh), nói Bắc Kinh đánh giá cao quan hệ với Saudi Arabia do sự ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của vương quốc trong khu vực. Trong khi đó, mối quan hệ Trung Quốc - Iran mang ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Trước ngày ông Tập công du, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh cho biết chủ tịch Trung Quốc sẽ trao đổi với lãnh đạo Saudi Arabia và Iran về các vấn đề khu vực. "Trung Quốc luôn duy trì quan điểm khách quan, công bằng và nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Trung Đông. Bắc Kinh kêu gọi các bên phối hợp để giải quyết xung đột, thúc đẩy ổn định khu vực", ông Trương cho hay.
Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc không muốn đứng về phe phái nào trong tranh chấp ở Trung Đông. "Trên thực tế, những nước này đều biết rõ các điểm trọng tâm trong quan hệ với Trung Quốc, nên họ không cho rằng Trung Quốc sẽ chọn đứng về ai. Trung Quốc luôn duy trì quan hệ thân thiện với các quốc gia Trung Đông, nhưng chúng tôi không phải là người hòa giải. Tất cả những điều Bắc Kinh thực hiện là thúc giục hòa bình thông qua đàm phán. Điều này không chỉ vì lợi ích của riêng Trung Quốc", ông Li Goufu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, bình luận.
Trung Quốc muốn chiếm ưu thế tại thị trường dầu mỏ Iran ngay sau khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận đối với Iran. Ảnh: WSJ |
Đáp ứng "cơn khát" năng lượng
Theo Wall Street Journal, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể chỉ tăng 3% trong năm nay, tức khoảng 300.000 thùng/ngày, so với tỷ lệ 5% của năm 2015. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự giảm nhu cầu yếu đối với dầu diesel trong sản xuất công nghiệp. Cũng trong tháng 1, Bắc Kinh quyết định ngưng việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ nhiên liệu, khi giá dầu thô toàn cầu xuống dưới 40 USD/thùng, khiến giá xăng ở mức cao ảnh hưởng đến nhu cầu của các tài xế Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ Saudi Arabia và Iran. Do vậy, Gordon Kwan, chuyên gia nghiên cứu về dầu mỏ, nhận định ông Tập sẽ nỗ lực thúc đẩy Saudi Arabia và Iran cam kết duy trì ổn định trong khu vực. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc đáng kể vào khu vực Trung Đông, nên bất kỳ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc.
Khi các quốc gia phương Tây và Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Iran, nước này dự kiến sẽ xuất khẩu 500.000 thùng dầu/ngày. Do vậy, chuyến đi của ông Tập Cận Bình nhằm tranh thủ mở rộng, ký kết thêm các hợp đồng nhập khẩu năng lượng từ Iran. "Khi Iran đang chuẩn bị mở cửa lại với thế giới, Trung Quốc cảm thấy nhu cầu phải củng cố mối quan hệ với Iran sớm, do vậy đây là điểm quan trọng trong chuyến thăm Iran của ông Tập Cận Bình", Andrew Small, nhà nghiên cứu tại Quỹ Marshall German, nhận xét.
Tehran cũng không phủ nhận sự hăm hở đối với thị trường Trung Quốc. "Trung Quốc từng là nước mua dầu nhiều nhất của Iran ngay cả khi trong giai đoạn cấm vận. Do vậy, ưu tiên của Iran là giành lại thị trường này", báo Wall Street Journal dẫn lời Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Amir Hossein Zamaninia.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng mở rộng nguồn nhập khẩu dầu mỏ, ký kết với các đối tác khác như Nga. Nhập khẩu dầu thô từ Saudi Arabia của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2%. Trong khi nhập khẩu dầu từ Nga, bạn hàng lớn thứ hai của Trung Quốc sau Saudi Arabia, tăng vọt đến gần 30%.