Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phía sau những cuộc đàm phán bí mật về tù binh Mỹ - Iran

Đại diện của Washington và Tehran gặp nhau nhiều lần trong suốt hơn một năm, tranh cãi nhiều hơn là thống nhất, nhưng cuối cùng đã đạt được thỏa thuận lịch sử.

Trong hơn một năm, các quan chức chính quyền Obama đã có nhiều cuộc gặp gỡ bí mật với các đối tác Iran, nhằm thương lượng về việc thả các công dân Mỹ bị giam ở quốc gia Hồi giáo này.

Theo New York Times, thỏa thuận đạt được sau các cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp của Iran Mohammad Javad Zarif. 5 tù nhân Mỹ đã được Iran phóng thích tuần trước, đổi lấy việc trao trả tự do cho 7 tù nhân Iran.

14 tháng bí mật

Kênh ngọai giao bí mật với Iran về việc thả tù nhân được tổng thống Mỹ chấp thuận. Tháng 10/2014, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Brett McGurk được chỉ định là người dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ.

Tháng 11/2014, tại Thụy Sĩ, người đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Tehran, McGurk lần đầu tiên ngồi xuống bàn đàm phán cùng đại diện của Iran. McGurk nói rằng nhóm đối thoại của Iran là các quan chức của bộ máy an ninh nhà nước, những người dường như chưa bao giờ gặp người Mỹ. Tiếng Anh của họ không tốt bằng hai quan chức cấp cao từng tham gia đàm phán về thoả thuận hạt nhân với Mỹ hơn hai năm trước.

Trong danh sách tù nhân Mỹ có tên Jason Rezaian, bị bắt vào tháng 7/2014; Amir Hekmati, một lính thuỷ đánh bộ bị bắt vào tháng 8/2011 khi đang đi thăm họ hàng và mục sư Saeed Abedini bị bắt năm 2012. Phía Mỹ đồng thời trao đổi về việc thả doanh nhân Nosratollah Khosravi.

Ba trong 5 tù nhân Mỹ được trao trả tự do

(hàng trên, từ trái qua phải)

: Jason Rezaian, Amir Hekmati và Saeed Abedini. 

Ba trong 7 tù nhân Iran được phóng thích khỏi các nhà tù Mỹ (hàng dưới, từ trái qua phải): 

Nader Modanlo, Bahram Mechanic và Khosrow Afghahi. Ảnh: NY Times

Các cuộc trao đổi kéo dài 14 tháng và từng bị gián đoạn vì chương trình đàm phán hạt nhân của Iran. Chúng được xem xét cẩn trọng bởi trước đây, đại diện của Iran từng chỉ trích Mỹ vì nhiều quan điểm bất đồng trong quá khứ, như cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn năm 1953 và việc Mỹ hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến với Iran những năm 1980.

Trong khi đó, chính phủ Iran và Mỹ đều phải xử lý những tranh luận nội bộ về việc trao trả tù nhân. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, bà Loretta E. Lynch, thậm chí còn phản đối bất kỳ thỏa thuận nào đánh đồng những người Mỹ vô tội, vốn bị bắt giữ vì mục tiêu chính trị, với những tên tội phạm Iran bị kết tội theo luật pháp.

Các quan chức cho biết Tổng thống Obama quyết định rằng, để 5 người Mỹ trong nhà tù Iran được tự do, ông sẽ trao trả những người Iran bị buộc tội hoặc bị kết án vi phạm lệnh trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân.

Đảng Cộng hoà tỏ ra nghi ngờ động thái trên của Obama. "Tôi nghĩ đây là một tiền lệ nguy hiểm. Nếu bạn muốn những kẻ khủng bố được ra tù, hãy bắt một người Mỹ và Tổng thống Obama sẽ thực hiện thoả thuận", Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, nói trên Fox News Sunday

Tại Nhà Trắng và Bộ Tư pháp, một số quan chức đã thận trọng ủng hộ hướng đi này. Lynch lập luận rằng, khác với thời Chiến tranh Lạnh, khi điệp viên các nước được trao đổi theo thỏa thuận, Rezaian cùng những người khác đang bị giam giữ một cách bất công và cần trả tự do theo cách phù hợp.

Không ai đề xuất thả những kẻ khủng bố đã bị kết án hoặc buộc tội, nhưng Obama nói sẵn sàng trao đổi một số trường hợp được xác định là tội phạm kinh tế. Phía Iran đưa danh sách gồm 19 tên, mỗi trường hợp đều được Lynch và các cơ quan khác rà soát kỹ lưỡng. Danh sách cuối cùng còn 7 người. 

Trong cuộc gặp của người đứng đầu ngành ngoại giao hai nước ngày 29/10 bên lề hội đàm về Syria, hai bên dường như thân mật hơn. Nhưng cơn giận dữ bùng lên một vài tuần sau đó, khi nhóm đàm phán của McGurk gặp đối tác Iran. Tehran đưa ra đề nghị thả hàng chục công dân Iran trong nhà tù Mỹ. Washington phản đối. Ông Kerry tiếp tục gặp gỡ ông Zarif trong một phiên họp về Syria hai tháng sau đó và hai bên cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung.

Bước đột phá đến cùng lúc khi Iran nhanh chóng tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố vô hiệu hóa một lò phản ứng plutonium, máy ly tâm làm giàu uranium và vận chuyển ra khỏi đất nước.

Giới chức Mỹ cho biết hai bên không trao đổi kỹ về thời gian, nhưng trách nhiệm của một mối quan hệ đã được cải thiện khiến hai bên muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề dai dẳng.

Những trở ngại cuối cùng 

Tháng 12/2015, Iran bắt Matthew Trevithick, 30 tuổi, một người Mỹ đang nghiên cứu tiếng Farsi tại Tehran. Với một thỏa thuận sắp hoàn thiện, Mỹ nói rằng họ hy vọng Trevithick sớm tự do, nhưng không đề cập đến tên người này trong các cuộc đám phán vì lo ngại Tehran yêu cầu thả nhiều người hơn. 

Ngày 12/1, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tạm giữ 10 thủy thủ trên hai tàu tuần tra của Hải quân Mỹ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải. Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng, Tổng thống Obama sẽ không thể nâng biện pháp trừng phạt Iran nếu thủy thủ vẫn còn bị giam giữ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp của Iran 

Mohammad Javad Zarif trong một cuộc gặp

năm 2015. Ảnh: NY Times

Sau các cuộc điện đàm liên tiếp của ông Kerry và Zerif, 10 thuỷ thủ được thả trong chưa đầy 24 giờ. Động thái này được cho là thể hiện thiện chí của Tehran.

Hai bên quyết định công bố trao đổi tù nhân và thực hiện thỏa thuận hạt nhân. Trevithick được phóng thích ngày 16/1 và lên máy bay về nước, Khosravi ở lại Tehran, ba người khác được đưa tới sân bay. 

Nhưng thậm chí sau đó, bất đồng tiếp tục xảy ra. Một trong số đó là các từ ngữ trong tài liệu liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. 21h ngày 16/1 tại Vienna, ông Kerry đã gặp ông Zarif và đại diện Liên minh châu Âu (EU), điện đàm với ngoại trưởng Pháp. 21h30, các bên thống nhất một lần nữa. 

Sau khi Zarif và đại diện EU đưa ra thông báo, Iran cương quyết không cho phép vợ và mẹ của Rezaian lên máy bay. Trên đường đến sân bay, ngoại trưởng Mỹ đã gọi cho ngoại trưởng Iran: "Javad, hãy nghe này. Đây là một phần của thoả thuận", ông Kerry nói. Cuối cùng, Zarif quyết định trao trả cả 3 người.

Iran phản đối lệnh trừng phạt mới của Mỹ

Iran hôm nay phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, cho rằng động thái mới này là không hợp pháp.

Thả sớm thuỷ thủ, Iran cải thiện quan hệ với Mỹ

Việc Iran thả 10 thủy thủ Mỹ trong chưa đầy 24 giờ sau khi bắt giữ ở vịnh Ba Tư được coi là dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nước kể từ khi ký kết thoả thuận hạt nhân.



Hoàng Anh (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm