Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dỡ bỏ cấm vận Iran: Khai thông kinh tế, bắt tay diệt IS

Trao đổi với Zing.vn, Đại sứ Việt Nam tại Iran cho biết Tehran đã sẵn sàng cho hậu cấm vận và việc dỡ bỏ lệnh cấm mang lại lợi ích cho toàn cầu về kinh tế cũng như nỗ lực chống IS.

Ngoại trưởng Mỹ và Iran trong cuộc gặp tại Vienna, Áo, ngày 16/1. Ảnh: Getty

- Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran, tại sao lại là thời điểm này và quyết định dỡ bỏ đã được thực hiện ra sao?

- Ông Nguyễn Hồng Thạch, Đại sứ Việt Nam tại Iran: 

Đây chính xác hơn là dỡ bỏ các cấm vận liên quan đến chương trình hạt nhân, còn các hình thức cấm vận khác như liên quan đến nhân quyền thì vẫn còn. Đây là điều đã được dự liệu trước và là bước quan trọng nhất trong tiến trình thực hiện thoả thuận hạt nhân.

Chúng ta đều biết có ngày ký, ngày thông qua và nay là ngày thực hiện thoả thuận. Đến giờ này tất cả các nội dung của thoả thuận đều đã được thực hiện một cách nghiêm túc, mặc dù có những lúc tưởng chừng khó khăn. Thời điểm khó khăn nhất kể từ lúc ký thoả thuận đến giờ chính là lúc vào trung tuần tháng 9/2015, Thượng viện Mỹ không đủ số phiếu hai phần ba cần thiết để bác bỏ thoả thuận. Đây là thời khắc vượt qua khủng hoảng trong việc thực hiện thoả thuận.

Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua, Obama phải dùng quyền phủ quyết, rồi Thượng viện lại phải có hai phần ba để phủ quyết lại... Rất may câu chuyện dài ấy đã không xảy ra.

Iran cũng thực hiện đúng các cam kết của mình như chuyển nước nặng ra khỏi lãnh thổ Iran, rút lõi của lò phản ứng hạt nhân Arak.

Mới cách đây 2 ngày, Iran thực hiện xong việc rút lõi này và Tổ chức Nguyên tử Hạt nhân Quốc tế (IAEA) đã xác nhận việc Iran thực hiện cam kết. Và kết quả là Mỹ và EU đã thực hiện tiếp theo cam kết của mình là dỡ bỏ cấm vận liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

- Lệnh cấm vận đối với quốc gia dầu mỏ đã tồn tại suốt hơn 20 năm qua, việc dỡ bỏ cấm vận tác động như thế nào đến kinh tế Iran cũng như thế giới?

Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch. Ảnh: NVCC

- Nhìn về vĩ mô, các nhà kinh tế thế giới đều đánh giá Iran là ''thị trường béo bở cuối cùng chưa được khai thác". Dỡ bỏ cấm vận tức là bật đèn xanh cho việc khai thác thị trường này và trong hoàn cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn,việc này rất có ý nghĩa thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Iran và quốc tế đã chuẩn bị nhiều cho việc dỡ bỏ cấm vận này. Hàng chục đoàn doanh nghiệp lớn của phương Tây đã sang Iran để tìm hiểu thị trường và lên kế hoạch hậu cấm vận; đoàn lớn là tính các đoàn do Bộ trưởng trở lên dẫn đầu. Nếu tính các đoàn nhỏ thì phải hàng trăm. Vài ngày nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ dẫn đầu một đoàn sang thăm Iran có cả các doanh nghiệp Trung Quốc tháp tùng.

Tuy nhiên, không phải tất cả sẽ xuôi chèo mát mái ngay. Báo chí của phương Tây cũng cho biết, các ngân hàng lớn của phương Tây sẽ chưa vào cuộc ngay mặc dù về lý thuyết là cấm vận đã được dỡ bỏ. Họ từng bị phạt nhiều chục tỷ USD nên cũng còn chờ thời điểm Bộ Tài chính của Mỹ "bật đèn xanh" cho hoạt động thanh toán quốc tế với Iran.

- Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến Mỹ - Iran trao đổi tù binh và việc Tehran thả chóng vánh thủy thủ Mỹ những ngày vừa qua? Iran đã chuẩn bị như thế nào cho việc dỡ bỏ cấm vận?

- Việc Iran thả sớm 10 thuỷ thủ Mỹ bị cho là đi lạc vào hải phận của Iran có thể là một cử chỉ thiện chí của Iran trong lúc hai nước đang chuẩn bị cho một sự kiện lớn là ngày thực thi thoả thuận hạt nhân. Tuy nhiên, đây chỉ nên xem là một cử chỉ thiện chí của Iran chứ không phải nhằm mục đích dỡ bỏ cấm vận vì việc dỡ bỏ cấm vận đã được quy định trong Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) ký từ tháng 7/2015.

Có thể nói, Iran chuẩn bị cho hậu cấm vận từ trước khi ký thỏa thuận JCPOA. Ngay từ khoảng tháng 5/2015, Iran đã công bố tổ chức Hội nghị về dầu lửa tại London vào tháng 9/2015, và tại đây Iran sẽ công bố hình thức thầu mới.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2015 mới ký được JCPOA nên hội nghị tháng 9/2015 đã được lùi lại và thực tế diễn ra vào ngày 28-29/11/2015. Hội nghị quốc tế lớn thứ 2 là hội nghị về khí đốt diễn ra tháng 12/2015 cũng là chuẩn bị cho hậu cấm vận. Sắp tới, Iran sẽ tổ chức hội nghị cấp cao dầu lửa và khí đốt hậu cấm vận tại London, dự kiến vào ngày 22-24/2.

Iran đã tổ chức rất tốt hai hội nghị quốc tế về dầu mỏ và khí đốt trên với sự tham gia của rất nhiều các công ty lớn của phương Tây. Tôi có tham gia và thực sự rất ấn tượng với việc chuẩn bị cho hậu cấm vận của bạn, có thể nói là rất bài bản và quy mô.

- Theo ông, việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân có tầm quan trọng như thế nào đối với các vấn đề khu vực?

- Khu vực Trung Đông vẫn luôn luôn nóng với những xung đột chính trị, sắc tộc, tôn giáo. Đặc biệt là việc nổi lên của Nhà nước Hồi giáo (IS) với những hoạt động khủng bố không chỉ ở lãnh thổ IS kiểm soát mà ngay cả nhiều nơi trên thế giới. Việc ký được thoả thuận, thực hiện được thoả thuận tạo thêm niềm tin giữa Iran và các nước phương Tây giúp hai bên có thể hợp tác tốt hơn trong việc giải quyết các xung đột khu vực, trong đó có nỗ lực tiêu diệt IS, giải quyết các xung đột như Syria, Yemen.

Tại Hội nghị Hoà bình về Syria tổ chức tại Vienna, Áo, tháng 10/2015 lần đầu tiên Iran được mời tham gia cùng với phương Tây và các nước vùng Vịnh khác.

Với việc thực hiện JCPOA, quan hệ giữa Iran và Mỹ cũng có những cải thiện, hai bên hiểu biết nhau hơn và xây dựng thêm được lòng tin về nhau, nhưng hai nước sẽ còn phải đi những chặng đường dài nữa mới có thể bình thường hoá được quan hệ.

Theo Đại sứ, sự kiện này ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Iran?

Việc dỡ bỏ cấm vấn đối với Iran có ảnh hưởng rất tích cực đối với quan hệ Việt Nam - Iran. Đầu tiên là ta có thể tiếp tục thực hiện dự án dầu khí Danan. Vừa qua, dự án bị gián đoạn là vì cấm vận, nay lý do đó không còn nữa.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn với Iran nhưng vì khó khăn trong thanh toán đành phải ngồi chờ thì nay đã có thể thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình.

Nhưng quan trọng nhất là tâm lý. Tâm lý của doanh nghiệp Việt Nam là ngại làm ăn với Iran nay donah nghiệp Việt Nam có thể vượt qua được tâm lý‎ này.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã sang đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn, nhưng chưa nhiều. Tôi hy vọng với tình hình mới doanh nghiệp Việt Nam năng động hơn, dám làm hơn để cùng quốc tế khai thác thị trường tiềm năng này của Iran.

Đặc biệt, hãng hàng không Mahan Air của Iran đã lên kế hoạch thực hiện 3 chuyến máy bay thuê bao sang Việt Nam cho khách du lịch Iran vào dịp năm mới No Ruz tháng 3 năm nay. Đây sẽ là những chuyến bay thẳng đầu tiên từ Iran sang Việt Nam mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.

Mỹ chính thức dỡ bỏ cấm vận Iran

Tổng thống Mỹ vừa ký một sắc lệnh nhằm thu hồi các lệnh trừng phạt được áp dụng 20 năm qua với Iran sau khi Tehran tuân thủ đúng các thỏa thuận về chương trình hạt nhân.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm