Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ tranh thủ kết thân khi Saudi Arabia bất đồng với Mỹ

Giữa lúc quan hệ Mỹ - Saudi Arabia xảy ra bất đồng xung quanh vụ tử hình giáo sĩ gần đây, Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông.

Trong chuyến công du Saudi Arabia, Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc vương Salman bin Abdul Aziz al-Saud đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Giới quan sát cho biết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thiết lập mối quan hệ như thế này với một quốc gia Tây Á, trong bối cảnh nước đồng minh của Mỹ cũng muốn đa dạng hóa các quan hệ ngoại giao.

Tính toán của Trung Quốc

Trong hai ngày ông Tập Cận Bình thăm Saudi Arabia (19-20/1), Reuters cho biết hai bên đã ký 14 thỏa thuận và bản ghi nhớ về mua dầu, thúc đẩy các vòng đàm phán thương mại tự do giữa hai nước, và thỏa thuận xây một lò phản ứng hạt nhân.

Trong tuyên bố chung, ông Tập Cận Bình nói Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố của Saudi Arabia, cam kết thúc đẩy những chuyến giao lưu văn hóa và tôn giáo, thành lập ủy ban cao cấp để định hướng cho các hợp tác song phương. Trong một tuyên bố khác, Bắc Kinh cũng tỏ ý ủng hộ chính phủ Yemen hiện tại vốn nhận hậu thuẫn từ Riyadh.

Chủ tịch Trung Quốc và Quốc vương Saudi Arabia. Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ với Saudi Arabia thành đối tác chiến lược toàn diện. Ảnh: SCMP

Saudi Arabia đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch an ninh năng lượng của Trung Quốc. Hồi năm 2014, Bắc Kinh nhập gần 50 triệu thùng dầu thô từ quốc gia Arab này, chiếm 16% tổng lượng dầu nhập khẩu và cũng là tỷ lệ nhập nhiều nhất từ một quốc gia. Bên cạnh đó, Saudi Arabia là một phần quan trọng trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" mà Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Nhà nghiên cứu Wang Jian ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, cùng lúc này, áp lực từ giá dầu thế giới giảm buộc Saudi Arabia phải tìm kiếm những cách khác để thúc đẩy kinh tế. "Động thái này mở ra cơ hội làm ăn cho các doanh nhân Trung Quốc", ông Wang nói với South China Morning Post.

Xét về quan hệ hợp tác, Bắc Kinh và Riyadh đã có quan hệ quân sự trước khi hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Trung Quốc đã bán 60 tên lửa DF-3s cho Saudi Arabia vào năm 1988 và hiện đang tiếp tục cung cấp các tên lửa đạn đạo hiện đại DF-21 tầm trung.

Ngoài ra, Saudi Arabia là địa điểm thiêng liêng đối với đạo Hồi, trung tâm tôn giáo của những người Sunni. Phần lớn những người Trung Quốc theo đạo Hồi (ước tính khoảng 30 triệu người) cũng là người Sunni. Nhà nghiên cứu Gong Zheng tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế đương đại cho rằng: "Trung Quốc cần tranh thủ sự giúp đỡ của Saudi Arabia trong lĩnh vực chống khủng bố".

Mỹ không còn hoàn toàn đứng về phía Saudi Arabia sau vụ đại sứ quán bị người Iran đốt phá. Ảnh: Getty

Bất đồng Mỹ - Saudi Arabia

Việc Bắc Kinh nâng cấp quan hệ ngoại giao với Riyadh giữa lúc quan hệ Mỹ - Saudi xảy ra bất đồng vì nhiều vấn đề. "Quan hệ Saudi - Mỹ đã xói mòn từ trước thời chính quyền Obama. Mối quan hệ này hoàn toàn dựa trên lợi ích chứ không phải giá trị", cựu đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, Charles W. Freemand Jr, nói trên Los Angeles Times.

Việc sản xuất dầu nội địa của Mỹ gia tăng những năm gần đây. Mỹ cũng đa dạng hóa những đối tác để mua dầu ngoài khu vực Trung Đông, như mua từ Nga. Chuyên gia Wang Jian cho rằng: "Trước đây, Saudi chủ yếu bán dầu cho Mỹ. Bây giờ họ cảm thấy bị bỏ rơi vì khoảng cách bất đồng ngày càng lớn về lợi ích giữa hai nước. Do vậy, Riyadh muốn đa dạng hóa các mối quan hệ của nước này".

Bên cạnh đó, Washington cũng không ngần ngại chỉ trích chính quyền Saudi về tình hình nhân quyền và việc cai trị cứng rắn, đặc biệt từ sau phong trào "Mùa Xuân Arab". Một sự việc hé lộ rõ những bất đồng giữa Mỹ và Saudi Arabia gần đây nhất là vụ hành quyết giáo sĩ nổi tiếng người Shiite Nimr al-Nimr.

Theo trang NPR, kể từ năm 2014, Mỹ, châu Âu và Liên Hợp Quốc đã liên tục đề nghị Saudi Arabia không tử hình giáo sĩ al-Nimr, cho rằng ông là đại diện cho cộng đồng thiểu số ở vương quốc Hồi giáo. Ông Nimr từng có cuộc gặp với các quan chức Mỹ hồi năm 2008, khi đó ông tỏ quan điểm không chống Mỹ, nhưng cũng không ủng hộ Iran.

Sau khi Riyadh thông báo tử hình 47 phần tử bị cáo buộc hoạt động khủng bố, bao gồm vị giáo sĩ, Bộ Ngoại giao Mỹ không lên án trực tiếp hành động này như các nước phương Tây khác. Người phát ngôn John Kirby nói rằng Mỹ "đặc biệt quan ngại" vụ hành quyết giáo sĩ sẽ vấp phải rủi ro kích động căng thẳng sắc tộc trong khu vực.

Tuy nhiên, lần này, các hoàng thân Saudi không còn có thể trông cậy Mỹ sẽ lên tiếng và chỉ trích Iran như trước đây. Trên thực tế, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không hài lòng với cả hai bên, khi Saudi tử hình ông al-Nimr còn Iran không bảo vệ sứ quán nước ngoài.

Theo tờ Los Angeles Times, giới chức Saudi cũng không giấu giếm việc không hài lòng với người Mỹ. Nguồn tin của báo này cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm ngay với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif sau sự việc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al Jubeir mãi một ngày sau mới chịu nhận cuộc gọi của ông Kerry.

Nhà nghiên cứu về Trung Đông Haleh Esfandiari tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) bình luận trên New York Times rằng "Saudi Arabia không còn là đồng minh đáng tin cậy của Mỹ".

"Việc tử hình giáo sĩ al-Nimr là hành động đe dọa đến những nỗ lực quốc tế để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Yemen và Saudi Arabia. Bên cạnh đó, Saudi Arabia còn bị cáo buộc là khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho những phong trào Hồi giáo cực đoan, bạo lực. Đây là mối đe dọa không chỉ với Mỹ mà với sự ổn định ở mọi khu vực", bà Esfandiari nhận định.

Trung Quốc tiếp cận Trung Đông để giải cơn khát năng lượng

Ông Tập Cận Bình công du Saudi Arabia và Iran để thể hiện vai trò của Bắc Kinh với Trung Đông, đồng thời tìm nguồn cung cho nhu cầu năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm