Tổng thống Richard Nixon và Chủ tịch Chu Ân Lai tại Bắc Kinh vào năm 1972 trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Trong 45 năm, qua 5 đời lãnh đạo Trung Quốc và 8 đời tổng thống Mỹ cùng sự chuyển đổi của thế giới, quan hệ Mỹ - Trung trở nên cởi mở hơn khi Tổng thống Nixon thăm Bắc Kinh vào năm 1972, chấm dứt 2 thập kỷ thù hận.
"Chính phủ Trung Quốc và Mỹ có những khác biệt rất lớn. Chúng ta cũng sẽ có khác biệt trong tương lai. Nhưng điều cần làm là tìm cách nhìn nhận những vấn đề khác biệt không phải bằng con mắt của kẻ thù trong chiến tranh", Nixon từng nói.
43 năm sau, một nhà lãnh đạo đầy tham vọng của Trung Quốc thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ theo hướng ngược lại và những thách thức vẫn còn đó.
Trước chuyến thăm tới Mỹ, ông Tập Cận Bình cho biết: "Cả hai bên cần điều tiết những lợi ích cốt lõi của nhau, tránh tính toán sai lầm chiến lược, quản lý đúng cách và kiểm soát sự khác biệt".
Muốn Mỹ công nhận trật tự thế giới mới
Lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau. Ảnh: Getty |
Theo Newsweek, trong chuyến thăm Mỹ lần này, Bắc Kinh muốn Washington công nhận về "trật tự thế giới mới". Người ta vẫn chưa rõ ý nghĩa chính xác của hình thái này, ngoại trừ các quan chức và học giả Trung Quốc. Họ tin rằng Bắc Kinh đang dần đảm nhận vai trò tương đương với Washington trong việc duy trì an ninh và thiết lập các chuẩn mực quốc tế trong một thế giới lưỡng cực hay đa cực.
Đối với một số người Trung Quốc, "trật tự thế giới mới" phản ánh ý kiến "một vành đai, một con đường" mà nước này đề xuất nhằm liên kết Bắc Kinh với phần còn lại của thế giới bằng hệ thống cơ sở hạ tầng vận tải, công nghệ và năng lượng rộng lớn do Trung Quốc hỗ trợ. Quyền lực mềm của họ cũng nằm trong con đường này.
Một số khác đề cập tới cấu trúc lưỡng cực trong quản lý toàn cầu, dựa trên ý tưởng Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc lớn nhất thế giới. Chính quyền của Tổng thống Obama rõ ràng nhận thấy vai trò toàn cầu và tầm quan trọng của Trung Quốc cùng sự hợp tác giữa hai nước sẽ đem lại điểm tích cực cho thế giới. Tuy nhiên, Mỹ không cho rằng Trung Quốc là nước có thể đứng ngang hàng với họ.
Tờ Duowei News cho rằng, mong muốn lớn nhất của Bắc Kinh trong chuyến thăm của ông Tập là đạt đồng thuận với Obama về định nghĩa chính xác của "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" thay vì giải quyết vấn đề cá nhân cũng như những bất đồng. Bắc Kinh tin rằng khái niệm này có thể mang lại sự thay đổi cơ bản trong bản chất của mối quan hệ hai nước. Đó là lý do chính phủ Trung Quốc kỳ vọng nhiều vào chuyến thăm Mỹ lần này của nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo nhận định của Yang Xiyu, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Mỹ còn do dự nhiều về khái niệm "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" do nhiều mâu thuẫn còn tồn tại trong quan hệ song phương.
Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây với tham vọng hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa". Trong chuyến thăm Mỹ lần này, ông có thể nói rằng Bắc Kinh vẫn còn những thách thức lớn trong nước và tránh xung đột với Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn một chính sách đối ngoại phản ánh thực tế trỗi dậy của nước này. Và trong các lĩnh vực như đầu tư, biến đổi khí hậu, ông sẽ hợp tác với Mỹ để tận dụng lợi thế của cả hai nước.
Chấp nhận ưu tiên an ninh
Một trong những vấn đề gây xung đột trong quan hệ Mỹ - Trung trong vài năm qua là những thách thức về an ninh ngày càng tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Các nhà phân tích an ninh Trung Quốc lập luận rằng Mỹ không công nhận những tuyên bố toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp của Bắc Kinh, luôn đồng hành cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong tranh chấp chủ quyền và cho phép những hành vi nguy hiểm của các nước đồng minh và đối tác.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ từng cảnh báo, tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Bắc Kinh là nhằm mục đích tham chiếu quyền lực ở Đông Á và nâng cao các rủi ro mà Mỹ phải phải đối mặt nếu Washington can thiệp vào các điểm nóng trên biển, như Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan.
Theo Newsweek, nhân chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc muốn Mỹ chấp nhận những ưu tiên an ninh của nước này tại Biển Đông và biển Hoa Đông sau nhiều lần lớn tiếng cho rằng Washington không nên can thiệp vào các vấn đề ở hai vùng biển này. Các quan chức Trung Quốc nói rằng ông Tập sẽ nêu vấn đề Đài Loan trong cuộc hội đàm với Obama.
Trấn an doanh nghiệp Mỹ
Hãng Apple có nhiều nhà máy lắp ráp sản phẩm ở Trung Quốc. Ảnh: BBC |
Trong khi đó, về khía cạnh kinh tế, chủ tịch Trung Quốc có hai mục tiêu khi tới thăm thành phố Seattle trong chuyến thăm Mỹ. Đó là trấn an các nhà doanh nghiệp rằng Trung Quốc vẫn là một điểm kinh doanh tốt và đảm bảo Bắc Kinh được tôn trọng trước vị thế của Mỹ, theo Bloomberg.
"Chuyến thăm Seattle của ông Tập chủ yếu nhằm trấn an các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng hoài nghi về cách thức giải quyết vấn đề của Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài", Jeffrey Bader, một thành viên cấp cao thuộc Viện Brookings, cho hay.
Chính phủ Mỹ muốn Trung Quốc đẩy mạnh cải cách tài chính và không muốn lặp lại sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong mùa hè này hoặc sụt giảm của đồng nhân dân tệ. Đây đều là những sự kiện làm chao đảo thị trường thế giới thời gian qua. Về phần mình, Bắc Kinh cũng bực tức khi cho rằng các nỗ lực của Mỹ đang làm chậm quá trình tăng trưởng không thể tránh khỏi của nước này.
Có kết quả?
Theo nhận định của ông Douglas Paalm, Phó chủ tịch mảng nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới, người Trung Quốc đang tìm kiếm sự công nhận rằng Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quan trọng nhân chuyến thăm của ông tới Mỹ. Tuy nhiên Washington lại tìm kiếm những điều thực tế hơn.
Ngoài bất đồng về an ninh mạng hay tình hình Biển Đông có thể không được giải quyết, ông Obama và Tập sẽ đạt đồng thuận về mục tiêu biến đổi khí hậu. Vấn đề hợp tác về phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran và Triều Tiên cũng sẽ được nhấn mạnh trong chuyến thăm.
"Trong một chuyến thăm cấp nhà nước, các bên đều mong muốn đạt một điều gì đó thực sự quan trọng để cho thấy một điều là khi các lãnh đạo làm việc cùng nhau, những điều tích cực sẽ đến. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ xuất hiện trong cuộc gặp sắp tới", Kenneth Lieberthal, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nhận định.