Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
Báo New York Times dẫn lịch trình chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ dự Diễn đàn Công nghiệp Internet Mỹ - Trung do Microsoft cùng Hội Internet Trung Quốc tổ chức ngày 23/9. Các khách mời tham dự bao gồm Robin Li, người sáng lập Baidu, ông chủ Jack Ma của Alibaba và các lãnh đạo cao cấp từ những công ty hàng đầu như Apple, Facebook, Google, IBM và Uber.
Sau đó, ông Tập mới đến Washington ngày 24/9 để gặp Tổng thống Obama.
Một số chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung nhận định, mục đích của ông Tập là thuyết phục những giám đốc các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ kêu gọi chính quyền Obama không trừng phạt nghiêm khắc đối với Trung Quốc về cáo buộc xâm nhập an ninh mạng và vi phạm sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh luôn một mực phủ nhận những lời buộc tội mà Washington đưa ra.
Danh sách khách mời cao cấp
Một nguồn tin cho biết, Bắc Kinh không mời Tổng giám đốc Google, Sundar Pichai, tham dự cuộc họp riêng này. Năm 2010, Google công khai tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc chứ không nhượng bộ những yêu cầu về kiểm duyệt nội dung.
Phát ngôn viên Facebook từ chối xác nhận về sự tham gia của người sáng lập Mark Zuckerberg. Nếu Mark xuất hiện, anh có thể là tổng giám đốc duy nhất tại sự kiện này dù công ty thuộc danh sách cấm làm ăn với Trung Quốc.
Một nguồn tin cũng cho hay, Bắc Kinh đã mời Tổng giám đốc Virginia Rommetty của IBM đến dự buổi họp mặt riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, IBM cũng không xác nhận thông tin này.
Alec Ross, một cố vấn của bà Hillary Clinton khi còn giữ chức ngoại trưởng Mỹ, cho rằng tổng giám đốc Tim Cook có thể sẽ dự cuộc họp. "Nếu vậy, ông Tập sẽ nói với Tim Cook rằng 'Chúng tôi hân hạnh khi ông phát triển kinh doanh ở đất nước tôi. Và, sự hiện diện của Apple có nghĩa là các công ty Mỹ cũng có thể xâm nhập thị trường Trung Quốc", ông Ross nói với Wall Street Journal.
Trên thực tế, tại buổi giới thiệu các sản phẩm mới vừa qua, ông chủ Apple cho biết doanh số bán điện thoại iPhone ở đại lục tăng 75% so với năm trước. Trong một lần trả lời kênh truyền hình kinh doanh CNBC, ông cũng khẳng định: "Trung Quốc có rất nhiều cơ hội trong thời gian dài tới".
Đại diện Apple từ chối bình luận về lời mời của Trung Quốc dành cho Tim Cook.
Bắc Kinh muốn xây dựng liên minh chống Nhà Trắng?
Cuộc họp rõ ràng là cơ hội mà các công ty công nghệ Mỹ cần tận dụng, đặc biệt khi họ đang chứng kiến sự tăng trưởng đến từ những thị trường không phải là các nước phát triển. Những rào cản vẫn còn nhiều, như việc Trung Quốc yêu cầu các công ty Mỹ phải đặt bộ dữ liệu ở nước này, hoặc chấp hành luật pháp Trung Quốc, trong đó quy định Bắc Kinh được toàn quyền tiếp cận dữ liệu nếu cần.
Các sản phẩm của Apple được lắp ráp tại những nhà máy ở Thẩm Quyến và Trịnh Châu, Trung Quốc. Ảnh: CNN |
Một rủi ro khác gần kề hơn là chính quyền Obama đang xem xét nghiêm túc về việc trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, nếu nước này không chấm dứt hoạt động xâm nhập an ninh mạng để đánh cắp các thông tin bí mật quan trọng.
Theo ông Ross, nguồn gốc xung đột ở chỗ, Mỹ quy kết những hoạt động tin tặc này là vấn đề an ninh quốc gia trong khi Bắc Kinh xem đây là vấn đề thương mại.
Bên cạnh đó, việc tổ chức một cuộc họp với các công ty công nghệ phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc, từ khâu sản xuất lắp ráp (như Apple) đến cơ hội tăng trưởng trong tương lai (như Apple, Facebook, IBM và Microsoft...) cũng là cách nhắc nhở Washington. Bắc Kinh muốn nhấn mạnh, bất kỳ lệnh cấm vận nhập khẩu hoặc trừng phạt nào cũng sẽ dẫn tới việc đánh mất cơ hội và gây ra hậu quả trực tiếp cho Mỹ.
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Peter Singer nhận định, hành động tổ chức cuộc họp này của Trung Quốc là một động thái "cứng rắn đến kiêu ngạo". "Ngoại giao không chỉ là hành động, mà còn tỏ rõ tín hiệu, thành lập hoặc phá vỡ các liên kết, liên minh", ông nói.
Một số chuyên gia cho rằng, cuộc họp là dịp để lãnh đạo Trung Quốc xây dựng mối liên kết với các công ty Mỹ, qua đó phối hợp chống lại những nhân vật ở Washington kiên quyết ngăn chặn hành vi đánh cắp thông tin trên mạng của Trung Quốc.
Một số học giả khác cũng đưa ra ý kiến trái chiều. Ông Kenneth Lieberthal, Viện Brookings, cho rằng cuộc họp này cũng giống những sự kiện trước đây của Diễn đàn Công nghiệp Internet Mỹ - Trung. Các nhân vật tham gia vẫn là quan chức Trung Quốc và đại diện công ty công nghệ Mỹ.
Tuy nhiên, sự kiện ngày 23/9 sắp tới hoàn toàn khác biệt vì nó (có thể) quy tụ nhiều gương mặt tổng giám đốc nổi tiếng nhất và cũng là lần đầu tiên có sự tham dự của một nguyên thủ Trung Quốc.