Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật an ninh mới của Nhật tác động thế nào đến Trung Quốc?

Giới phân tích Trung Quốc nhận định sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt và khả năng bị cô lập là những tác động tiêu cực của dự luật mới đối với Bắc Kinh.

Các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh:
Các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua Dự luật an ninh mới cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật thực hiện các hoạt động bên ngoài lãnh thổ nước này. Điểm nhấn trong dự luật mới là Lực lượng Phòng vệ Nhật có quyền bảo vệ các đồng minh theo khái niệm quyền phòng vệ tập thể mà trước đây Hiến pháp không cho phép.

Theo đó, Nhật Bản có thể đánh chặn tên lửa bay qua lãnh thổ nước này để hướng đến Mỹ. Trước đây, Lực lượng Phòng vệ chỉ được phép bắn hạ tên lửa nhắm vào Nhật Bản. Nếu tàu chiến Mỹ bị tấn công, lực lượng Nhật Bản có thể trợ giúp phòng thủ, xa hơn, tàu chiến nước này sẽ tiến hành nhiệm vụ rà phá thủy lôi ở Trung Đông.

Những hoạt động của lực lượng phòng vệ bên ngoài lãnh thổ chỉ được thực hiện trong điều kiện có mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Nhật Bản. Bên cạnh đó, dự luật cũng cho phép lực lượng phòng vệ thực hiện nhiều hơn các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Dự luật mới được xem là bước ngoặt lịch sử đối với Nhật Bản kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Những người ủng hộ dự luật cho rằng, môi trường an ninh xung quanh nước này đã trở nên nguy hiểm. Triều Tiên thường xuyên bắn tên lửa xuống vùng biển Nhật Bản, Bắc Kinh đang thách thức chủ quyền với Tokyo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Do đó, việc cho phép lực lượng quốc phòng mở rộng các hoạt động là cần thiết để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Nhật Bản. Mục tiêu quan trọng của dự luật là tăng cường hợp tác với Mỹ, đồng minh chính, qua đó tăng năng lực chung của 2 bên.

Trung Quốc sợ bị rơi vào thế cô lập
a
Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC - 2014. Ảnh: Wikipedia

Ngay trước khi dự luật được thông qua, Trung Quốc đã có những tuyên bố phản đối kế hoạch này. Việc các nhà lập pháp Tokyo thông qua dự luật càng làm cho Bắc Kinh nhìn nhận tiêu cực hơn.

Ngày 19/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản nên rút ra bài học trong lịch sử, tôn trọng những mối quan tâm an ninh của châu Á và các nước láng giềng. Tokyo nên tiếp tục con đường phát triển hòa bình, hành động thận trọng đối với các vấn đề quân sự và làm nhiều hơn những điều có lợi đối với hòa bình, ổn định trong khu vực.

Phần lớn giới phân tích Trung Quốc cho rằng, dự luật mới sẽ dọn đường cho sự trỗi dậy của “chủ nghĩa quân phiệt” ở Nhật Bản. Trung Quốc từng là nạn nhân của họa diệt chủng do quân đội Đế quốc Nhật Bản gây ra trong Thế chiến II. Bắc Kinh cho rằng, Tokyo nợ họ một lời xin lỗi về những hành động trong chiến tranh.

Đánh giá về dự luậ mới, Zhang Lili, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định, việc cho phép lực lượng phòng vệ mở rộng hoạt động sẽ làm phức tạp thêm tranh chấp chủ quyền ở Đông Bắc Á.

Bên cạnh đó, dự luật còn làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa 2 nước và làm xói mòn lòng tin giữa Bắc Kinh và Tokyo.  Ông trao đổi với Global Times rằng, Nhật Bản sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực mà mục tiêu cuối cùng là để kiềm chế Trung Quốc.

Trong khi đó, điểm nhấn trong dự luật là tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ nhằm thực thi quyền phòng vệ tập thể. Luật là sự khởi đầu cho việc đẩy nhanh sự hội nhập giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật, tạo nên một liên minh vững chắc. Do vậy, Tokyo bắt tay cùng Washington rõ ràng là bất lợi lớn đối với tham vọng của Bắc Kinh ở châu Á – Thái Bình Dương.

Giáo sư Huang Dahui, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á thuộc Đại học nhân dân Bắc Kinh cho rằng, khi Lực lượng Phòng vệ Nhật mở rộng hoạt động, công nghệ quân sự tiên tiến của Tokyo sẽ tạo thêm áp lực cho Trung Quốc.

Ông cho biết thêm, Trung Quốc không thể can thiệp vào sự lựa chọn của Nhật Bản nên cần hành động để xây dựng lực lượng quốc phòng ngày càng mạnh hơn để đáp ứng hành động của Nhật.

Chủ nghĩa quân phiệt và khả năng bị cô lập là những vấn đề mà Bắc Kinh lo lắng đối với dự luật an ninh mới của Nhật. Tuy nhiên, không phải tất cả các học giả Trung Quốc đều bi quan về những thay đổi ở Nhật Bản. Shen Dingli, phó viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, trao đổi với Ibtimes rằng, “Nhật Bản đã không bắn viên đạn nào trong suốt 70 năm qua”.

Ông không nghĩ rằng Tokyo sẽ trở nên hung hăng hơn sau khi dự luật được thông qua. “Chúng ta nên chào đón Nhật Bản trở lại với một đất nước bình thường để đấu tranh cho hòa bình thế giới”, ông Shen nói.

Chuyên gia CSIS: TQ đang quân sự hóa các đảo ở Biển Đông

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC cho rằng Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo nhằm mục đích quân sự tiến tới kiểm soát Biển Đông.

Nhật thông qua luật an ninh gây tranh cãi

Quốc hội Nhật đã thông qua dự luật an ninh mở rộng vai trò của lực lượng quốc phòng, cho phép quân đội lần đầu tiên trong 70 năm có thể tham chiến ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh.

Quốc Việt (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm