Ảnh vệ tinh chụp ngày 3/9 về hoạt động của Trung Quốc trên Đá Subi. Ảnh: CSIS/AMTI |
Đầu năm nay, Trung Quốc xây dựng đường băng trên Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng này có khả năng tiếp nhận hầu hết các máy bay chiến đấu. Đến tháng 6, hình ảnh vệ tinh cho thấy, nước này đang chuẩn bị xây một đường băng tại Đá Subi.
Hình ảnh mới nhất chụp ngày 3/9 cũng cung cấp thêm bằng chứng về hoạt động của Bắc Kinh, cho thấy Trung Quốc chuẩn bị xây thêm đường băng tại Đá Vành Khăn trong quần đảo.
Ông Gregory B. Poling, giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS), nhận định, Trung Quốc đang âm mưu chia cắt Biển Đông.
Đá Vành Khăn chỉ cách 21 hải lý so với Bãi Cỏ Mây mà Philippines đang nắm giữ. Trong khi đó, Đá Chữ Thập nằm ở phía Tây quần đảo Trường Sa. Đá Subi ở phía bắc quần đảo, cách đảo Thị Tứ 15 hải lý và cách khoảng 40 hải lý so với đảo Ba Bình mà Đài Loan đang chiếm đóng.
Ông Poling cho rằng, 3 đường băng trên các đảo nhân tạo cho phép Trung Quốc thiết lập một tam giác giữa trung tâm quần đảo Trường Sa, qua đó tăng năng lực tuần tra trên không và ngăn chặn trên khu vực nam Biển Đông.
Những đường băng này sẽ đẩy căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên biển lên cao và gây khó khan về mặt hoạt động cho các nước tranh chấp khác cũng như là các nước bên ngoài như Mỹ.
Nói một đằng làm một nẻo
Các tàu cuốc vẫn hoạt động tấp nập ở Đá Xu Bi một tháng sau tuyên bố ngưng bồi lấp của Trung Quốc. Ảnh: CSIS/AMTI |
Đầu tháng 8, CNN đưa tin, Trung Quốc tuyên bố ngưng các hoạt động bồi lấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, một tháng sau tuyên bố này, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên Đá Subi và Đá Vành Khăn.
Bonnie S. Glaser, cố vấn cao cấp trong chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc CISIS nhận định, hành động này là một phần trong sự trỗi dậy của Trung Quốc được khẳng định qua hoạt động bồi lấp trên Biển Đông. Nó cho thấy sự không thống nhất giữa lời nói và hành động của Bắc Kinh
Ảnh vệ tinh chụp Đá Subi đầu tháng 9 cho thấy, tàu cuốc cỡ lớn vẫn tiếp tục bơm cát vào khu vực đê biển mới xây. Trên Đá Vành Khăn, tàu chuyên dụng đang hút cát để mở rộng lối vào phía bên trong đá cho các tàu thuyền. Khu vực này có thể sử dụng như một căn cứ hải quân trong tương lai.
Trước đó, trong diễn đàn khu vực ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 5/8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định, mục đích xây dựng đảo nhân tạo là để cải thiện điều kiện sống cho nhân viên và phục vụ cho mục đích công cộng. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh lại cho thấy, Bắc Kinh đang tập trung xây dựng các đảo cho mục đích quân sự.
Những công trình mới được xây dựng trên Đá Chữ Thập gồm: Một đường băng đã hoàn thành với chiều dài hơn 3 km, sân đỗ trực thăng, mái vòm radar, tháp giám sát và các phương tiện thông tin liên lạc vệ tinh.
Tuyên bố ngưng bồi lấp nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và quân sự hóa các đảo cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng trong việc kiềm chế, tìm kiếm con đường ngoại giao để giảm căng thẳng giữa các bên liên quan, bà Glaser nhận định. Mỹ kêu gọi các bên liên quan ngưng hoạt động làm thay đổi nguyên trạng cũng như quân sự hóa các đảo, nhưng dường như Trung Quốc đã phớt lờ điều đó.
Trước thềm chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Mỹ vào tuần tới, Bắc Kinh dường như đang muốn gửi thông điệp đến Washington rằng Trung Quốc đang quyết tâm thúc đẩy lợi ích của mình trên Biển Đông, ngay cả khi điều đó có thể làm căng thẳng mối quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Chiến lược dài hơi
Ảnh vệ tinh chụp ngày 3/9, nhiều công trình lớn đang được xây dựng trên Đá Chữ Thập. Ảnh: CSIS/AMTI |
Nghị quyết của Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng chiến lược biển. Christopher Johnson, cố vấn cao cấp tại CSIS, nhận định Đại hội 18 phản ánh sự quan tâm sâu rộng của Trung Quốc trong việc phát triển về chiều sâu của chiến lược hàng hải nhằm mở rộng lợi ích vượt ra ngoài đường bờ biển nước này.
Trung Quốc xem hoạt động bồi lấp ở Biển Đông là tín hiệu báo động cho các nước láng giềng và Mỹ về tham vọng của Bắc Kinh trong việc vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ 2, xa hơn nữa là Tây Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, hoạt động xây dựng ở Biển Đông được xem là nền tảng trong việc thiết lập quyền kiểm soát khu vực này, đặt nền móng cho những tham vọng lớn hơn, ông Johnson lập luận.
Trong Sách trắng Quốc phòng mới công bố, quân đội Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ chiến lược mới để bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Do đó, Hải quân Trung Quốc sẽ chuyển trọng tâm từ nội hải ra vùng ngoại hải. Trong tương lai gần, hải quân nước này sẽ có khả năng triển khai năng lực ở chuỗi đảo thứ nhất và Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tham vọng muốn có nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay hơn nhằm khẳng định sức mạnh trên biển. Đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, năng lực quân sự của Bắc Kinh có khả năng định hình khu vực mà không cần đến các hành vi đe dọa. Những diễn biến gần đây tại Đá Subi và Đá Vành Khăn phải được hiểu rằng, đó là một phần trong chiến lược dài hơi trên biển của Trung Quốc.
Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh ở Biển Đông?
Cận cảnh đường băng trên Đá Chữ Thập, ảnh vệ tinh chụp ngày 3/9. Ảnh: CSIS/AMTI |
Đánh giá về hoạt động bồi lấp của Trung Quốc, Michael J. Green, phó chủ tịch cao cấp về châu Á và Nhật Bản tại CSIS, nói hoạt động xây dựng đảo nhân tạo cho thấy Bắc Kinh đang muốn thiết lập ưu thế trên không ở Biển Đông.
Một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho phép Không quân Trung Quốc tăng cường các hoạt động tuần tra thời bình, điều đó đem lại lợi thế lớn hơn so với các nước trong khu vực, thậm chí so với Mỹ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thêm 2 đường băng mới trên Biển Đông có thể là một sự chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp, nhà phân tích Green lập luận. Trung Quốc có thể triển khai hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo để chuẩn bị cho một kịch bản xung đột nếu có.
Zack Cooper, cựu trợ lý cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cũng nhận định Trung Quốc có thể triển khai radar trên các đảo nhân tạo cho phép mở rộng năng lực giám sát tầm xa. Ngoài ra, tên lửa hành trình trên các tàu chiến đồn trú ở đảo có thể đe dọa hải quân các nước trong khu vực, kể cả Mỹ.
Các nhà phân tích CSIS kết luận rằng, tại thời điểm hiện tại, Trung Quốc có thể triển khai hoạt động tại đường băng dài 3 km trên Đá Chữ Thập và đang chuẩn bị 2 đường băng khác tại Đá Subi và Đá Vành Khăn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo nhân tạo này như thế nào, thực tế có thể còn đáng lo ngại hơn sự hình dung của các nhà quan sát.