Ảnh vệ tinh chụp hôm 2/4 cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Digital Global |
Bày tỏ quan điểm về quá trình xây dựng của Trung Quốc, bà Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với CNN, những cơ sở này sẽ phục vụ như các tiền đồn trên biển. Bà lập luận thêm, Trung Quốc là một bên trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng so với các nước khác, Bắc Kinh là quốc gia đến muộn nhất.
"Do Bắc Kinh đến muộn nên ý định của họ là đẩy mạnh việc xây dựng đảo nhân tạo nhằm củng cố chỗ đứng trên quần đảo tranh chấp, lấy đó làm điểm tựa cho các tham vọng lãnh thổ vô lý của họ", bà Hooper chia sẻ.
Theo CNN, quy mô, tốc độ và phạm vi xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông là đáng báo động. Lầu Năm Góc ước tính, Bắc Kinh đã cơi nới diện tích khoảng 2.000 mẫu Anh (8,09 km2) trong năm 2014.
Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Không gian và Quốc phòng Airbus cung cấp trong tháng 3 cho thấy, Trung Quốc đang gấp rút hoàn thành đường băng dài 3.000 m trên Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh cũng gấp rút hoàn thành đường băng khác trên Đá Chữ Thập. Các đường băng đủ dài để máy bay quân sự hoạt động.
Thế giới có lý do để lo ngại
Rất đông tàu thuyền phục vụ cho hoạt động cơi nới trái phép trên Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Mục đích xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc để làm gì? Đó là vấn đề mà Bắc Kinh chưa có câu trả lời thỏa đáng. Việc xây dựng đảo của Trung Quốc sẽ không có gì đáng nói nếu nó không gắn với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, bà Hooper quan ngại.
Một số quan chức Trung Quốc cho biết, các đảo nhân tạo sẽ sử dụng cho mục đích dân sự, tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học, nhưng họ cũng thừa nhận có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Thực tế, các máy bay do thám của Mỹ đã ghi nhận việc Hải quân Trung Quốc triển khai một số trang thiết bị quân sự trên đảo.
Đô đốc Samuel J. Locklear, tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc có thể triển khai radar và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo, từ đó thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông gây trở ngại cho các hoạt động tự do hàng hải.
Những tuần gần đây, các quan chức Mỹ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, gọi hành động của Bắc Kinh là "hung hăng" và yêu cầu Tổng thống Barack Obama phải có hành động cụ thể.
"Một quốc gia xây dựng hòn đảo nhân tạo 600 mẫu Anh (2,4 km2) với đường băng và các thiết bị quân sự trên vùng biển quốc tế để làm gì? Đó rõ ràng là mối đe dọa với tự do hàng hải, nơi nguồn lực kinh tế thế giới đã, đang và sẽ đi qua", Thượng nghị sĩ McCain nói trong cuộc họp gần đây trước Quốc hội Mỹ.
Trước đó, Trung Quốc từng đưa ra yêu sách đường 9 đoạn chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, nay họ lại tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, phải chăng đó là nước cờ để cụ thể hóa tham vọng đường 9 đoạn, bà Hooper lập luận.
Không chỉ Washington quan ngại trước hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác có cùng quan điểm. Trong cuộc hội đàm cấp thứ trưởng gần đây giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Akitaka Saiki, thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, phát biểu rằng: "Trung Quốc cần có nghĩa vụ giải thích rõ các hoạt động xây dựng trên Biển Đông".
Trong khi đó, Cho Tae-yong, thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Bà Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, từng cảnh báo Trung Quốc: "Mỹ có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình và an ninh trên Biển Đông. Chúng tôi không tin việc cơi nới và quân sự hóa các đảo nhân tạo là phù hợp mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực".
Các nhà phân tích, chính trị gia trên thế giới đều có cùng quan điểm là việc xây dựng của Trung Quốc trở nên nguy hiểm, vì Bắc Kinh không giải thích một cách rõ ràng. Bà Hooper cho rằng, việc Hải quân Mỹ cho phép các phóng viên tác nghiệp trên máy bay tuần tra do thám Biển Đông là một giải pháp hay.
"Ghi nhận của các phóng viên sẽ cung cấp cái nhìn khách quan và minh bạch về các hoạt động cơi nới cũng như hành động của Trung Quốc", bà Hooper chia sẻ.