Máy bay EP-3 của Hải quân Mỹ hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam của Trung Quốc năm 2001. Ảnh: Wikipedia |
Máy bay Mỹ đâm máy bay Trung Quốc, 2001
Một trong những sự cố trên không nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra vào đầu tháng 4/2001. Khi đó, máy bay do thám EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ xuất phát từ căn cứ Okinawa và thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, khoảng 80 km, theo New York Times.
Mỹ khẳng định họ hoàn toàn đang hoạt động trong không phận quốc tế. Tuy nhiên, hai máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc xuất hiện để ngăn chặn máy bay Mỹ. Một chiếc EP-3 đã va chạm với chiếc J-8. Sự việc khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn phi công trên máy bay Mỹ phải cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Trung Quốc ngay lập tức bắt 24 thành viên trong phi đội Mỹ, tịch thu máy bay và những thiết bị tình báo. Washington phải cử các nhà ngoại giao đến Bắc Kinh để giải thoát họ sau 11 ngày. Truyền thông Trung Quốc khi đó giận dữ tuyên bố "Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì sự việc này". Tuy nhiên, Đô đốc Mỹ Dennis Blair cáo buộc máy bay Trung Quốc vô cùng hung hăng và cố tình gây hấn trước.
Chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay Mỹ
Máy bay chiến đấu Thành Đô J-10 của Trung Quốc. Ảnh: AusAirPower |
Ngày 10/1/2013, Global Times đưa tin chiến đấu cơ của Trung Quốc đã áp sát hai máy bay Mỹ ở vùng không phận gần biên giới với Nhật Bản. Hai máy bay Trung Quốc là chiếc J-7 và J-10, còn máy bay của Mỹ là loại phi cơ tuần tra P-3C của Hải quân và máy bay chở hàng C-130 của Không quân.
Máy bay Mỹ xuất phát từ căn cứ Yokota ở Nhật. Tờ Sankei cho biết, ngay sau đó, Không quân Trung Quốc đã điều động chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Mỹ. Cuộc chạm trán giữa máy bay Trung - Mỹ diễn ra cùng ngày Nhật Bản điều máy bay do thám P-3C, EP-3 và OP-3 đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để giám sát hoạt động của máy bay Trung Quốc.
Mỹ điều B-52 "dằn mặt" Trung Quốc
Máy bay B-52 Stratofortress của Mỹ. Ảnh: AFP |
Trong một động thái phản đối cứng rắn, ngày 25/11/2013, Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực ADIZ mà Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông. Các máy bay hoàn thành hành trình mà không vấp phải hành động ngăn cản nào từ phía Bắc Kinh.
Ngày 28/11/2013, Trung Quốc tuyên bố triển khai các máy bay chiến đấu tại khu vực ADIZ để giám sát hoạt động của máy bay nước ngoài. Một ngày sau, người phát ngôn lực lượng không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố Bắc Kinh tiếp tục điều chiến đấu cơ để theo dõi 10 phi cơ Nhật Bản và 2 máy bay do thám của Mỹ bay qua khu vực ADIZ.
Máy bay Trung Quốc "khoe vũ khí" trước phi cơ Mỹ
Một chiếc Su-27 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia |
Các quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc chiếc Su-27 của Trung Quốc cố tình gây hấn khi tiến sát máy bay do thám P-8 của Hải quân Mỹ vào ngày 19/8/2014. Sự cố xảy ra trong không phận quốc tế. Khi đó, máy bay Mỹ đang tuần tra ở vùng phía đông đảo Hải Nam.
Theo trang IBTimes, hai phi cơ có lúc chỉ cách nhau 15 m. Sau đó, máy bay Trung Quốc bay vượt lên máy bay Mỹ, phơi bụng về phía chiếc P-8 để phô trương vũ khí. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby lên án "hành vi rất nguy hiểm" của máy bay Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản bác cáo buộc của Washington, khẳng định máy bay của họ luôn duy trì khoảng cách an toàn.
Hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ
Một máy bay P-8A Poseidon của Mỹ. Ảnh: Flight Journal |
Ngày 20/5, máy bay tuần tra P8-A Poseidon của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra để theo dõi hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên không quân Mỹ cho phóng viên cùng đi trên máy bay.
Khi phát hiện ra máy bay Mỹ đang tuần tra, phía Hải quân Trung Quốc liên tục đưa ra thông điệp cảnh báo. "Đây là Hải quân Trung Quốc. Các vị hãy rời khỏi đây để tránh hiểu lầm", giọng nói tiếng Anh vang lên qua hệ thống liên lạc của P8-A Poseidon.
CNN ghi nhận, Trung Quốc đã 8 lần phát thông điệp cảnh báo tới máy bay Mỹ chỉ trong 30 phút. Mike Parker, người chỉ huy phi đội máy bay tuần thám P8 và P3 ở châu Á, tin rằng những thông điệp tới từ một trong các hòn đảo. Khi thấy máy bay Mỹ chưa biến mất, ở đầu kia của đường dây liên lạc, một người đưa ra cảnh báo: "Đây là Hải quân Trung Quốc. Hãy rời khỏi đây".