Hoạt động xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành một số công trình xây dựng trên Biển Đông. Cơ quan này cũng ngang ngược khẳng định sau khi các dự án lấn biển, xây đảo nhân tạo hoàn tất, Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở (không rõ là dân sự hay quân sự) trên các đảo.
Tuyên bố của Trung Quốc làm dấy lên mối quan ngại nước này sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép, làm phức tạp thêm tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Trước đó, máy bay do thám P-8 của Mỹ đã ghi nhận một số thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo đang xây dựng.
Mục đích xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc để làm gì? Đó là câu hỏi mà Bắc Kinh chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đô đốc Samuel J. Locklear, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, từng cho biết Trung Quốc có thể triển khai radar và tên lửa phòng không trên các đảo nhân tạo, từ đó thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Đánh giá về khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Harry Kazianis, thành viên cao cấp Viện chính sách Trung Quốc tại Đại học Notthingham, Anh, bình luận, Trung Quốc sẽ thực hiện theo kiểu từng bước một.
Đầu tiên họ hoàn tất quá trình bồi lấp, tiếp đến là xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố. Quân sự hóa các đảo cũng là một một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh. Ông Kazianis cho rằng, Trung Quốc sẽ lấy cớ từ chương trình tái cân bằng châu Á của Washington phục vụ cho mục đích thiết lập ADIZ trong vài năm tới.
Lấy cớ từ học thuyết quân sự của Mỹ
Học thuyết "Không Hải chiến" của Mỹ có thể là cái cớ cho Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Ảnh: Sldinfo |
Ngày 23/10/2013, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Giới phân tích cho rằng, động thái này nhằm đáp trả tuyên bố quốc hữu hóa một số đảo của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa 2 nước. Ý đồ của Trung Quốc là đẩy căng thẳng lên cao để các bên liên quan phải nhượng bộ.
Nhà phân tích Peter Mattis, thuộc tổ chức Jamestown có trụ sở tại Washington, lập luận, ở Biển Đông, Bắc Kinh đang lo lắng với kế hoạch tái cân bằng châu Á của Washington, đặc biệt là học thuyết quân sự "Không Hải chiến" (ASB) mà Mỹ dự định triển khai. Do đó, Trung Quốc đã tiến hành chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực (2A/2D) nhằm đối phó với học thuyết của Mỹ.
Bắc Kinh đã phát triển một số vũ khí hiện đại cho chiến lược này như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, tên lửa hành trình chống hạm, máy bay không người lái (UAV), tàu ngầm tiên tiến cùng một số vũ khí khác. Mục đích của Trung Quốc là đẩy lực lượng Mỹ và đồng minh càng xa vùng biển của họ càng tốt.
Đối với Mỹ, khi quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh lên khiến vị thế của Washington ở châu Á – Thái Bình Dương bị đe dọa và học thuyết ASB nhằm đối phó với Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc cảm thấy bị cô lập khi Mỹ bắt tay với Nhật Bản và một số nước đồng minh trong chiến lược tái cân bằng châu Á.
Do đó, Bắc Kinh sẽ gấp rút củng cố sức mạnh quân sự trên các đảo nhân tạo phục vụ cho chiến lược 2A/2D từ xa. Nhà phân tích Mattis cho rằng, Trung Quốc có thể lấy cớ từ chiến lược quân sự của Mỹ nhằm thiết lập ADIZ trên Biển Đông trong vài năm tới.
ADIZ trên Biển Đông có thể là quân bài mà Bắc Kinh sử dụng để mặc cả với Washington, tương tự như việc họ dùng nó ngăn cản ý định của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Giải pháp
Rất đông các tàu thuyền của Trung Quốc đang đẩy mạnh tốc độ xây dựng trái phép ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SMH |
Nhà phân tích Kazianis cho rằng, Mỹ, Nhật Bản cùng các nước Đông Nam Á có lợi ích chung trong việc ngăn cản Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore cuối tháng 5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, từng nói: "Chính phủ và quân đội Trung Quốc chưa bao giờ nói sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông, việc tạo ra một vùng như thế sẽ phụ thuộc vào diễn biến an ninh trong khu vực".
Các nước trong khu vực, đặc biệt là Mỹ cần dựa vào lời phát biểu của lãnh đạo quân đội Trung Quốc để xem mức độ thực thi các cam kết của họ, ông Kazianis kiến nghị. Bên cạnh đó, Mỹ cần chủ động hợp tác với Trung Quốc để hạn chế việc triển khai các hệ thống vũ khí mang tầm chiến lược có thể kích động lẫn nhau.
Một thỏa thuận như thế sẽ giúp Washington và Bắc Kinh không còn lo ngại lẫn nhau. Điều đó có thể giúp Trung Quốc ít nhất về mặt lý thuyết, rằng việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông là không cần thiết. Bên cạnh đó, Mỹ cũng chứng minh được họ là đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm vì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Bên cạnh giải pháp dài hạn mang tầm chiến lược, nhà phân tích Kazianis còn đề xuất một số giải pháp ngắn hạn nhằm ngăn cản ý đồ của Trung Quốc.
Đầu tiên, khi Bắc Kinh có bất kỳ động thái mở rộng khả năng quân sự trên Biển Đông như xây đường băng mới hoặc triển khai vũ khí hạng nặng thì cần công bố ảnh chụp cho giới truyền thông. Bên cạnh đó, các nước cần yêu cầu Trung Quốc giải thích hành động. Một phản ứng từ cộng đồng quốc tế là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tham vọng của nước này.
Tiếp đến, nếu các tàu thuyền thực thi pháp luật hàng hải hoạt động trên Biển Đông gặp sự quấy rối từ lực lượng Hải giám Trung Quốc, cần ghi hình lại và công khai trên Youtube hoặc các kênh truyền thông xã hội khác. Phản đối nhiều lần bằng các kênh khác nhau buộc Trung Quốc phải liên tục giải thích các hành động của mình. Đây là một lợi thế mà các nước trong khu vực cần khai thác.
Ngăn cản ý đồ thiết lập ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước Đông Nam Á cùng đối tác chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản vì lợi ích chung, nhà phân tích Kazianis kết luận.