Hoạt động xây dựng trái phép tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1988. Ảnh: CSIS |
Xây đảo ở Biển Đông
Theo National Interest, trong vài tháng gần đây, Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép quy mô lớn trên Biển Đông mà phía Mỹ gọi là "Vạn lý trường thành cát". Các công trình nhân tạo có quy mô lớn với đường băng dài trên 3.000 m đủ cho các máy bay hạng nặng hoạt động.
Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh sẽ lắp đặt vũ khí và các phương tiện quân sự khác trên các đảo để làm tiền đồn trên biển. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học Quốc phòng Australia, nhận định ý đồ của Trung Quốc là sau khi hoàn tất việc xây dựng đảo nhân tạo sẽ lấy đó làm cơ sở để yêu sách vùng lãnh hải 12 hải lý.
Trung Quốc sẽ bảo vệ các đảo mới bồi lấp như một phần lãnh thổ của nước này bất chấp luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Washington có quan điểm khác về vấn đề đảo nhân tạo của Trung Quốc. Mỹ tuyên bố đảm bảo tự do hàng hải và thực hiện các hoạt động tuần tra trong khu vực mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền phi lý.
Nhà phân tích Nick Bisley thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Australia nhận định, tuyên bố cứng rắn của đôi bên rất dễ dẫn đến xung đột quân sự. Nếu tàu chiến và máy bay Mỹ đi vào vùng biển mà Bắc Kinh yêu sách, sự cố đáng tiếc nhiều khả năng sẽ bùng phát. Một phản ứng quân sự có thể nhanh chóng leo thang, đặc biệt trong tình huống phía Mỹ chịu thiệt hại nặng hơn so với Trung Quốc.
Va chạm máy bay
Phần mũi của máy bay P-3 hỏng nặng sau va chạm với tiêm kích J-8 của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2001. Ảnh: Wikipedia |
Trung Quốc và Mỹ từng xảy ra va chạm máy bay trên khu vực Biển Đông vào năm 2001. Khi đó, một tiêm kích đánh chặn J-8 của Không quân Trung Quốc đã va chạm với máy bay tuần tra hàng hải P-3C Orion của Mỹ.
Sự cố dẫn đến bê bối ngoại giao nghiêm trọng giữa 2 nước. Trong bối cảnh hiện tại, một kịch bản tương tự hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, vấn đề còn trở nên phức tạp hơn.
Trong tình huống đó, Mỹ sẽ cho máy bay đi qua ADIZ để phủ nhận tính hợp pháp của nó như việc họ đã làm trước đây. Năm 2013, khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Mỹ đã điều động 2 máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực để thách thức tuyên bố của Trung Quốc.
Robert Farley, trợ lý giáo sư tại Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson, Mỹ, nhận định tình hình ở Biển Đông phức tạp hơn so với biển Hoa Đông. Trung Quốc đang cố gắng khẳng định vị thế của họ trong khu vực nên sẽ cứng rắn hơn trong các tuyên bố và hành động. Nếu Mỹ cho máy bay đi qua khu vực Trung Quốc thiết lập ADIZ, xung đột quân sự có thể xảy ra.
Đụng độ tàu ngầm
Lửa bốc cháy bên hông tàu ngầm K-219 lớp Navaga của Liên Xô sau khi va chạm với tàu ngầm Mỹ vào năm 1986. Một sự cố tương tự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến những biến cố khó lường. Ảnh: Wikipedia |
Những năm Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm Liên Xô và NATO thường xuyên đụng độ trên biển. Kịch bản tương tự có khả năng xảy ra trên Biển Đông cũng như toàn bộ Thái Bình Dương. Hạm đội tàu ngầm của Bắc Kinh còn yếu và chưa thực hiện các hoạt động tuần tra thường xuyên. Nhưng khi lực lượng tàu ngầm Trung Quốc mở rộng khu vực ảnh hưởng sẽ gia tăng các sự cố đáng tiếc.
Nhà phân tích Denny Roy, Đại học Chicago, Mỹ, lập luận rằng Bắc Kinh đang cố gắng đưa các tàu ngầm của họ vượt qua chuỗi đảo thứ nhất nhằm thách thức Hải quân Mỹ. Để chuẩn bị cho hoạt động này, Trung Quốc phải gia tăng tốc độ đóng mới cũng như tần suất triển khai của các tàu ngầm.
Các tàu ngầm Trung Quốc sẽ hoạt động ngày càng gần hơn các tàu của Mỹ và Nhật Bản, nhà phân tích Roy nhận xét. Khi tần suất xuất hiện của tàu Trung Quốc gia tăng các sự cố va chạm dễ xuất hiện. Tai nạn tàu ngầm thường để lại hậu quả nghiêm trọng về tài sản và tính mạng thủy thủ, khiến cho tình hình trở nên mất kiểm soát.
Cuộc xung đột tình cờ hiếm khi xảy ra nhưng vẫn không thể loại trừ khả năng này, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn với các đòi hỏi, ông Roy lập luận.
Phía Mỹ cho rằng, việc triển khai máy bay và tàu tuần tra bất kỳ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép là cần thiết để đảm bảo tự do hàng hải. Trong khi đó, quan điểm của Bắc Kinh coi hành động của Mỹ là cản trở sự phát triển của họ. Bắc Kinh và Washington đang cuốn vào cuộc chơi nguy hiểm trên Biển Đông, ông Farley kết luận.