Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA |
Trung Quốc bồi đắp đảo, Mỹ vào cuộc
Những tháng đầu năm 2015, Mỹ và Philippines liên tục công bố những bằng chứng, hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo và bồi đắp đất của Trung Quốc tại những đảo trên Biển Đông đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Đô đốc Harry Harris Jr., Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, ngày 31/3 cáo buộc Trung Quốc đang âm mưu tạo "Vạn Lý Trường Thành Cát" trên Biển Đông. Lầu Năm Góc ước tính, Bắc Kinh đã cơi nới diện tích khoảng 8,09 km2 trong năm 2014.
Theo CNN, Trung Quốc cải tạo, cơi nới các rạn san hô ngập nước thành các đảo nhân tạo có kích thước lớn nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là mục đích quân sự. Bà Mira Rapp - Hooper thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo những cơ sở này sẽ phục vụ như các tiền đồn trên biển.
Các nhà lập pháp Mỹ thúc giục chính quyền Obama cần hành động mạnh mẽ hơn trước những hành vi của Trung Quốc. Hồi tháng 3, lãnh đạo Ủy ban Quân lực Thượng viện gửi thư chung cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi xây dựng chiến lược đối phó với những hành vi đe dọa từ Trung Quốc.
Một dự luật về quốc phòng năm 2016 của Thượng viện Mỹ đề xướng thành lập "Sáng kiến Biển Đông". Theo đó, Washington dành 50 - 100 triệu USD để giúp các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực tăng cường khả năng đối phó trước những hành vi khiêu khích cấp thấp.
Tại phiên điều trần ngày 13/5 trước Thượng viện, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David B. Shear đề cập đến những hành động nhằm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời khẳng định "Mỹ sẽ tuân thủ những cam kết của mình".
Trước đó một ngày, Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rằng, ông đang xem xét nhiều biện pháp, bao gồm "điều các máy bay giám sát và tàu hải quân đến cách khu vực Trung Quốc cải tạo" 12 hải lý.
Trong chuyến công du Trung Quốc ngày 17/5, Ngoại trưởng Kerry chỉ trích những hoạt động bồi đắp đất của Bắc Kinh. Dù Washington mong muốn một đối tác lớn như Bắc Kinh, các quan chức Mỹ khẳng định họ không thể để mặc Trung Quốc gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực khi quấy rối các nước lân cận và âm mưu làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.
Phi cơ P8-A Poseidon, máy bay tuần tra hiện đại nhất của Mỹ theo dõi hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CNN |
Các chuyên gia Trung Quốc đều nhận thấy sự thay đổi thái độ rõ rệt của Mỹ, đặc biệt qua các diễn biến máy bay do thám Mỹ theo dõi những công trình trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông; tàu USS Fort Worth thực hiện tuần tra trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải....
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc vẫn quyết liệt biện minh bảo vệ những hoạt động của họ bằng những lập luận quen thuộc. Gần đây, Tân Hoa xã đưa tin ngày 26/5 rằng, Trung Quốc đã tổ chức lễ động thổ xây dựng hai hải đăng ở bãi đá Châu Viên và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép.
Ngoài những diễn biến chính từ Mỹ và Trung Quốc, một động thái nổi bật trong khu vực là việc nội các Nhật Bản đã thông qua hai dự luật an ninh ngày 14/5. Theo đó, quân đội Nhật Bản sẽ được chiến đấu ở nước ngoài nếu quốc hội phê chuẩn dự luật. Tokyo đang trong vị trí không những có thể kiềm chế những sự hiện diện của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, mà còn góp phần chống những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đối thoại Shangri-La: Cơ hội hạ nhiệt?
Tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La, diễn ra ở Singapore từ 29 đến 31/5, ông Tim Huxley, giám đốc phụ trách châu Á của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế (IISS), cho biết những chính sách chiến lược của các cường quốc và tác động đến các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ là chủ đề thảo luận chính.
"Các diễn giả sẽ chú trọng vào kiểm soát xung đột leo thang, những giải pháp chủ động, những hình thức hợp tác an ninh mới và xây dựng liên kết an ninh với các khu vực", ông Huxley nói với báo Stratits Times.
Giới quan sát dự đoán tình hình Biển Đông sẽ là một chủ đề "nóng" tại hội nghị. Năm nay, Trung Quốc lần đầu cử một đô đốc hải quân, ông Tôn Kiến Quốc, để đối mặt trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter. Theo Straits Times, đô đốc Tôn mang hàm tướng 4 sao và là nhân sự được quy hoạch vào Ủy ban Quân sự Trung ương, cơ quan ban hành chính sách cao nhất trong quân đội.
Li Jie, chuyên gia hàng hải tại Bắc Kinh, nhận định: "Quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ cho hội nghị. Ông Tôn từng tốt nghiệp trường đào tạo về tác chiến tàu ngầm của hải quân. Ông cũng là người diễn giải rất tốt những luận điểm của luật hàng hải quốc tế theo hướng có lợi cho các chiến lược biển lâu dài của Trung Quốc".
Tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth hoàn thành chuyến tuần tra trên Biển Đông kéo dài 1 tuần vào giữa tháng 5. Ảnh: CNN |
Theo Bloomberg, ông Tôn và ông Carter sẽ vẫn duy trì giọng điệu cứng rắn trong những bài phát biểu của mình. Trước đó, hai bên chưa có dấu hiệu cho thấy họ muốn hạ nhiệt căng thẳng.
Trong chuyến công tác tại Hawaii ngày 27/5, Bộ trưởng Carter thúc giục Trung Quốc "chấm dứt ngay những hoạt động cải tạo" và "phản đối những hành vi quân sự hóa" trên Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh công bố Sách trắng Quốc phòng 2015 hôm 26/5 với nội dung nêu rõ mối đe dọa quân sự từ Mỹ và Nhật Bản. Sách Trắng nhấn mạnh Hải quân Trung Quốc phải đáp ứng nhiệm vụ phòng vệ cận hải và hộ vệ viễn dương.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Đối thoại Shangri-La xây dựng những cuộc họp kín bên lề như cơ hội để các quan chức gặp gỡ và đối thoại.
"Một mặt, những giọng điệu mạnh mẽ gần đây khiến chúng ta giống như đang ở đỉnh điểm cuộc thử thách ý chí. Tuy nhiên, Shangri-La cũng là nơi tạo ra nền tảng để căng thẳng hạ nhiệt", ông Nick Bisley, chuyên gia về châu Á tại Đại học La Trobe, Australia, nhận định.
Ông Trương Minh Lượng, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Ký Nam, Quảng Châu, dự đoán: "Trung Quốc muốn tiếng nói lớn hơn trong khu vực, trong khi Mỹ muốn trấn an các đồng minh châu Á rằng họ là cường quốc đáng tin cậy. Hai nước có thể xảy ra một số xung đột hoặc chạm trán nhỏ trên Biển Đông. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể kiềm chế vì không bên nào muốn mối quan hệ song phương vượt ngoài tầm kiểm soát".