Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến lược quân sự Mỹ và khả năng kiềm chế TQ ở Biển Đông

Học giả quốc tế nhận định, Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng kiềm chế hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông khi họ có một chiến lược về an ninh hàng hải rõ ràng.

Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA

Chiến lược rõ ràng

Trong bản báo cáo về "Chiến lược An ninh Hàng hải tại Thái Bình Dương" của Mỹ do Bộ Quốc phòng nước này công bố trong tháng 8, Washington cho rằng Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trên Biển Đông khi xây dựng các đảo nhân tạo - nơi các quốc gia khác cùng tuyên bố chủ quyền. Hành động của Bắc Kinh gây báo động cho các nước trong khu vực và Mỹ.

"Những hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc Mỹ có thể làm trong cuộc chiến đa quốc gia này là tiếp cận ở mức thấp nhưng ngày một nhiều", Wall Street Journal trích thông tin từ bản báo cáo cho hay.

Bản chiến lược mới của Mỹ nêu rõ 3 vấn đề chính về hàng hải trong khu vực, bao gồm: bảo đảm tự do trên biển, loại bỏ xung đột và tình trạng bị áp bức, đẩy mạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế. 

Bên cạnh đó, báo cáo đề cập tới khả năng quân sự của Trung Quốc. Theo đó, Hải quân nước này sở hữu số lượng tàu lớn nhất tại châu Á với hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra. Con số này nhiều hơn so với 200 tàu của Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines cộng lại.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu 205 tàu thuộc lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển (MLE). Con số này nhiều hơn so với số lượng mà các nước trên gộp lại.

Báo cáo mới chỉ ra rằng, diện tích đất mà Trung Quốc đang cải tạo tại Biển Đông đã lên tới 11,7 km2. Tốc độ xây dựng của Bắc Kinh tăng gấp 17 lần trong 20 tháng gần đây. Trong khi đó, nước này chiếm đến 95% diện tích đất đã cải tạo ở quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng tuyên bố, việc Trung Quốc xây dựng các công trình trái phép tại Biển Đông sẽ không cản trở việc Washington triển khai lực lượng tuần tra trong vùng biển này và họ sẽ luôn làm như vậy. Nói cách khác, các "đảo" mới mà Bắc Kinh tạo nên không có ý nghĩa về vùng kinh tế và chủ quyền biển theo quy định của luật pháp luật quốc tế.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh, tất cả tuyên bố chủ quyền phải được dựa trên các đặc điểm đất tự nhiên, đồng thời kêu gọi các bên ngừng đưa ra những tuyên bố quá mức.

Theo Wall Street Journal, nói đi đôi với hành động, Mỹ đang nâng cấp tàu sân bay, 3 tàu khu trục tàng hình mới nhất và tàu đổ bộ tấn công, 2 tàu khu trục mang tên lửa Aegis, một tàu ngầm tấn công và nhiều loại máy bay tiên tiến. Washington cũng đang hiện đại hóa các loại vũ khí, đặc biệt là tên lửa.

Bên cạnh đó, Mỹ đang tăng cường sự hiện diện và phối hợp với các đối tác trong khu vực. Washington duy trì 368.000 binh sĩ tại Thái Bình Dương và 97.000 quân ở phía Tây Đường Đổi ngày Quốc tế.

Những cách cản bước Trung Quốc tại Biển Đông

Tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth của Mỹ trong chuyến tuần tra Biển Đông hồi tháng 5. Ảnh: US Navy

Theo National Interest, cho đến nay, các sáng kiến ​​của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Lầu Năm Góc và Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương đã được triển khai nhưng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. Washington đã điều tàu tác chiến ven biến tới Singapore, một số tàu Hải quân tới vùng biển Darwin (Australia) và cam kết triển khai số lượng lớn binh sĩ thuộc Hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương và trang bị cho lực lượng các hệ thống tiên tiến nhất hiện có.  

Tiến sĩ Marvin C.Ott – một học giả cấp cao tại Trung tâm Woodrow Wilson – nhận định, Mỹ là quốc gia duy nhất có khả năng kiềm chế Trung Quốc.

Ông Marvin đưa ra một số cách để quân đội Mỹ có thể kiềm chế hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông, lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ cần duy trì sự hiện diện liên tục 24/7 trong 365 ngày tại Biển Đông. Họ nên triển khai các tàu tuần tra tại khu vực mà không cần quan tâm tới những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo.

Mỹ cần đề xuất một chương trình tuần tra hàng hải và hàng không chung với các đồng minh và đối tác an ninh tại Biển Đông. Washington và Manila cần cân nhắc về một thỏa thuận cho phép Hải quân Mỹ hộ tống các tàu Phillippines, tham vấn về tính khả thi của việc Mỹ xây dựng căn cứ không quân và hải quân trên đảo Palawan Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể tham vấn Việt Nam về việc tăng số lượng các chuyến thăm của Hải quân nước này tới cảng Cam Ranh.

Bên cạnh đó, nhóm làm việc giữa ASEAN và Mỹ về vấn đề Biển Đông cần được thành lập theo một phần của cuộc gặp gần đây giữa các Bộ trưởng hai bên. Cuối cùng là chính thức hóa chương trình đa phương giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và có thể là cả Hàn Quốc, để nâng cao năng lực của các quốc gia Đông Nam Á trong việc duy trì nhận thức về sự thống trị hàng hải và hiện diện của lực lượng cảnh sát và bảo vệ bờ biển tại Biển Đông. 

Mỹ báo động Trung Quốc tăng cường cải tạo đảo ở Biển Đông

Ngày 20/8, Lầu Năm Góc ra báo cáo khẳng định Trung Quốc đang tăng cường hoạt động bồi đắp, cải tạo tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

TQ di chuyển Hải Dương 981 đến vị trí mới ở Biển Đông

Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực mỏ Lăng Thủy dù trước đó Tân Hoa xã cho biết giàn khoan vừa "hoàn tất thăm dò ở Biển Đông".

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm