Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Tham gia phỏng vấn Đô đốc Scott Swift có đại diện South China Morning Post, VOA (Bangkok)... và một số báo Việt Nam, trong đó có Zing.vn
- Có thông tin về sự khác biệt giữa lãnh đạo Hải quân Mỹ và Nhà Trắng về cách đối phó với sự mạnh bạo của Trung Quốc ngoài Biển Đông. Ông nói gì về việc hải quân Mỹ chưa đi vào khu vực 12 hải lý (quanh các điểm xây lấn) như từng được nhiều tướng lính Mỹ tuyên bố?
Tôi có đọc tin và luôn tự hỏi sự khác biệt là ở đâu giữa Nhà Trắng với lực lượng lãnh đạo của hải quân. Trong nhóm lãnh đạo hải quân thì tôi không tin là có sự khác biệt này (về chính sách với Biển Đông).
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter từng tuyên bố tại Đối thoại Shangri-la rằng chúng tôi sẽ hoạt động/đi vào bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Tôi biết trong các nhóm học giả vẫn còn tranh cãi chuyện đâu là đảo, đâu là đá (ở Biển Đông) theo Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS). Việc đi vào 12 hải lý có liên quan tới các vấn đề pháp lý.
Bộ trưởng Carter đã nói rất rõ là chúng tôi sẽ đi vào bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Tôi không nghĩ là có sự khác biệt giữa tướng lĩnh hải quân với Nhà Trắng về chuyện này.
- Trong trường hợp nào thì quân đội Mỹ sẽ tiến hành tuần tra chung cùng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Biển Đông?
Đây là câu hỏi chính sách không chỉ của Mỹ mà còn là của Nhật. Đặc biệt là các đối thoại trong nội bộ Nhật Bản lúc này về Hiến pháp. Vì vậy hãy để họ giải quyết vấn đề (nội bộ đó) trước khi nói đến chuyện tuần tra chung.
Chúng tôi có các cuộc tập trận chung trên toàn bộ Thái Bình Dương, trong đó có cả với Nhật. Việc đi tuần chung thì chúng ta sẽ để các nhà chính sách quyết định trước khi có tiến hành đi tuần chung hay không.
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc trong vùng biển khu vực khiến các nước trên thế giới lo ngại. Ảnh: EPA |
- Trung Quốc đã lấn chiếm, bồi đắp nhiều đất ở khu vực. Mỹ sẽ làm gì thêm để đối phó?
Rõ ràng, đối thoại rất quan trọng để giải quyết sự khác biệt giữa các nước. Về chuyện chiếm đất, đã có một loạt tuyên bố của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ... nói về mối lo ngại của chuyện này. Đây là mối lo ngại của toàn bộ cộng đồng quốc tế, chứ không phải của riêng Mỹ. Đặc biệt, với quy mô và phạm vi lấn đất của Trung Quốc.
Về việc làm gì thêm, tôi sẽ cố gắng tăng cường hợp tác, trao đổi. Điều quan trọng là chúng ta phải làm cùng nhau, theo cách đa phương, để có thể giàn thỏa sự khác biệt giữa các bên.
- Bộ Quốc phòng Mỹ mới ra báo cáo về tình hình hải quân toàn cầu trong đó có nói về việc tăng cường triển khai đến khu vực: 60% nguồn lực hải quân.... Bất chấp tình hình đó, có rất nhiều nghi ngờ ở khu vực đối với cam kết của Mỹ về tái cân bằng với khu vực. Ông có nghe thấy điều đó trong các cuộc gặp?
Về chiến lược, chúng tôi sẽ triển khai 60% lực lượng của toàn bộ lực lượng hải quân đến châu Á-TBD. Đến giờ thực ra đã có khoảng 57-58% lực lượng. Các thiết bị hiện đại nhất đều được triển khai ở đây.
Vấn đề là dù chúng tôi có gửi hết lực lượng tới Biển Đông hay biển Hoa Đông thì sẽ vẫn có câu hỏi là "bao giờ Mỹ gửi thêm quân tới". Tất cả điều đó cho thấy lo ngại của các nước về các diễn biến đang diễn ra cũng như đường hướng tương lai của khu vực sẽ là như nào. Các nước muốn sự đảm bảo về an ninh giống như là họ có trong suốt 70 năm qua.
Vừa nhậm chức tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ tháng 5, Đô đốc Scott Swift đã trực tiếp lên máy bay tuần tra Poseidon-8 để theo dõi hoạt động lấn đất của Trung Quốc ngoài Biển Đông.
Báo cáo vừa công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng cho hay diện tích Trung Quốc lấn đất ngoài biển lên tới 1.170 ha, lớn hơn ước tính 809 hecta mà phía Mỹ đưa ra trước đó.