Các tàu chiến Mỹ - Nhật sẽ sát cánh cùng nhau trong các hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông trong thời gian tới. Ảnh: U.S Navy |
Tạp chí Diplomat, Nhật Bản đưa tin, lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) quan ngại sâu sắc về các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 26/6, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng JMSDF cho biết, hành động của Bắc Kinh là mối nguy hiểm tiềm tàng lớn đối với Tokyo.
Vị chỉ huy cấp cao cho biết thêm, Tokyo đang xem xét kế hoạch tham gia lực lượng tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. “Khu vực này rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản. Chúng tôi chưa có kế hoạch tuần tra ngay, nhưng với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng kế hoạch cần được xem xét”, Đô đốc Kawano nói.
“Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông. Chi tiêu quốc phòng của nước này liên tục tăng. Bên cạnh đó, họ thiếu minh bạch trong các hoạt động. Chúng tôi rất quan ngại về hành động của Bắc Kinh”, vị chỉ huy cho biết thêm.
Trước đó, tháng 4/2015, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Washington và Tokyo đã nhất trí sửa đổi hợp tác quốc phòng song phương theo chiều hướng sâu rộng hơn. Hai nước sẽ mở rộng các hoạt động chung nhằm đảm bảo tự do hàng hải bên ngoài vùng biển Nhật Bản.
Phía Hải quân Mỹ cũng lên tiếng chào đón sự tham gia của Tokyo. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương từng nói: “Chúng tôi xem Biển Đông là vùng biển quốc tế, Nhật Bản được chào đón để tiến hành các hoạt động nếu họ thấy phù hợp”.
Tuy nhiên, Diplomat nhận định, kế hoạch tuần tra chung với Mỹ có một số rào cản cần khắc phục. Quy định trong Hiến pháp Nhật chưa cho phép các tàu chiến hoạt động bên ngoài vùng biển nước này. Bên cạnh đó, Tokyo cần đạt được thỏa thuận với Philippines về việc sử dụng các căn cứ quân sự cho máy bay và tàu chiến của họ.
Khi các phóng viên đặt câu hỏi về năng lực của JMSDF có thể duy trì lịch trình tuần tra ở Biển Đông, Đô đốc Kawano nói: “JMSDF là lực lượng hải quân có năng lực cao với công nghệ tiên tiến, nhiều kinh nghiệm so với Hải quân Trung Quốc”. Tuy nhiên, vị chỉ huy cũng thừa nhận, về lâu dài, Tokyo đang ở thế bất lợi so với Bắc Kinh về tốc độ phát triển lực lượng.