Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc lập 'mặt trận ngoại giao' chống Mỹ trước hội nghị G20

Đại sứ của Trung Quốc tại Indonesia, Anh, Pháp - các nước thuộc nhóm G20 - đều có bài viết trên báo địa phương chỉ trích Mỹ, kêu gọi quốc tế chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia vừa gia nhập "dàn hợp xướng" các nhà ngoại giao của Bắc Kinh tại các nước G20 đang nỗ lực tập hợp sự ủng hộ để chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6.

Đại sứ Tiêu Thiên kêu gọi các nước Đông Nam Á ủng hộ "trật tự thương mại toàn cầu", trong một bài viết đăng trên báo Bisnis Indonesia hôm 10/6.

Mặt trận chống Mỹ

"Việc Mỹ lạm dụng các biện pháp thuế quan và gây áp lực tối đa không phù hợp với các nguyên tắc cạnh tranh thị trường và đạo đức kinh doanh cơ bản", ông Tiêu nói.

"Việc này không chỉ gây tổn hại cho lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Trung Quốc cũng như Mỹ, mà còn gây nguy hiểm cho an ninh của chuỗi giá trị và cung ứng công nghiệp toàn cầu, làm suy yếu nghiêm trọng trật tự thương mại quốc tế, và làm gia tăng sự bất định tại khu vực, cho tăng trưởng kinh tế thế giới, bao gồm cả cho Indonesia".

trung quoc chong my truoc hoi nghi g20 anh 1
Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên kêu gọi các nước ASEAN ủng hộ "trật tự thương mại toàn cầu" trước thềm hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: SCMP.

Kể từ khi đàm phán thương mại đổ vỡ, kéo theo các đòn thuế mới hồi tháng 5, Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ gay gắt thông qua đại sứ của họ tại các nước G20, bao gồm Anh và Pháp, nhằm tránh sự cô lập của các đồng minh Mỹ tại Osaka từ ngày 28 đến 29/6.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh viết cho báo Evening Standard tại London hồi tháng 5, ngụ ý rằng Mỹ là "kẻ gây rối" thực sự trong nền kinh tế toàn cầu vì đã tăng thuế và thúc đẩy chiến tranh thương mại.

"Quan trọng là cộng đồng quốc tế đứng vững và sát cánh cùng nhau trong thời khắc đen tối nhất của chủ nghĩa bảo hộ để ngăn chặn chiến tranh thương mại cận kề và đón lấy bình minh của kinh tế và thương mại thế giới", ông Lưu viết.

Tại Paris, Đại sứ Trạch Tuyến có bài viết gửi báo Les Echos với tựa đề Bảo vệ chủ nghĩa đa phương đòi hỏi sự can đảm và kiên quyết. Bài viết chỉ trích một số bên "đã đảo ngược lịch sử" thông qua việc "đơn phương bắt nạt và gây áp lực tối đa".

Ông Trạch cũng nói về tầm quan trọng của cơ chế G20 đối với việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cuộc gặp Trump - Tập

Indonesia sẽ là một trong những nước tham dự hội nghị để thảo luận về tương lai của thương mại toàn cầu tại Osaka, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc gặp song phương.

Ông Trump nói với CNBC hôm 10/6 rằng ông tin Trung Quốc sẽ tiến đến một thỏa thuận với Mỹ "vì họ sẽ phải làm như vậy".

Ông nói rằng ông sẽ áp đặt thuế quan đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc hiện chưa bị Mỹ đánh thuế, nếu Bắc Kinh từ chối gặp gỡ mặt đối mặt.

trung quoc chong my truoc hoi nghi g20 anh 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Argentina tháng 12/2018. Cuộc gặp này đưa đến 3 tháng đình chiến thương mại giữa hai nước nhưng sau đó vẫn không có thỏa thuận nào được thông qua. Ảnh: AP.

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Tập không đi (dự hội nghị G20). Tôi nghĩ ông ấy sẽ đi, tôi chưa nghe nói rằng ông ấy sẽ không. Chúng tôi dự kiến gặp nhau", ông Trump nói.

"Nếu chúng tôi gặp, đó là chuyện tốt và nếu chúng tôi không gặp thì cũng không sao cả. Nhìn mà xem, từ quan điểm của chúng tôi, thỏa thuận tốt nhất chúng tôi có thể có là mức thuế 25% với 600 tỷ USD hàng hóa Mỹ".

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động đa chiều tới Indonesia, thúc đẩy dòng chảy của hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang nước này. Vào tháng 1, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết nước này có thể hưởng lợi từ việc đầu tư chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Song Jakarta cũng lo ngại chính quyền Trump có thể nhắm mục tiêu vào nước này bằng thuế quan riêng, do thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Năm 2017, chính quyền Trump đã đưa Indonesia vào danh sách 16 quốc gia để điều tra về sự mất cân bằng trong thương mại với Mỹ.

Trong bài viết của mình, Đại sứ Tiêu Thiên đã kêu gọi Indonesia và các nước ASEAN khác cùng chống lại chính sách thương mại của Mỹ.

"Trung Quốc hy vọng làm việc với Indonesia, ASEAN và các nước khác trên thế giới để tăng cường hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ vững chắc toàn cầu hóa thông qua các hành động thiết thực, bảo vệ hệ thống và quy tắc thương mại đa phương, và cùng nhau xây dựng một nền kinh tế thế giới mở ở mức độ cao", ông viết.

Thâm Quyến thấm đòn vì Mỹ tấn công ‘đầu rồng’ Huawei

Là đại bản doanh của những nhà xuất khẩu và công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, Thâm Quyến cảm nhận rõ ràng nhất những tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Thương chiến leo thang, TT Trump có thể lại ăn tối với Chủ tịch Tập

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung có thể sẽ cùng dùng bữa tối bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra ở Nhật Bản vào các ngày 28-29/6.



Đông Phong

Bạn có thể quan tâm