Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là nguyên thủ quốc gia đầu tiên phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, diễn ra trực tuyến và do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hôm 22/4.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ hợp tác với Mỹ trong việc cắt giảm lượng khí thải. “Bảo vệ môi trường là bảo vệ năng suất, và thúc đẩy bảo vệ môi trường là thúc đẩy năng suất. Đơn giản là như vậy", ông Tập nói, theo AP.
Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, theo sau là Mỹ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ngày 22/4. Ảnh: AP. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không đề cập đến những căng thẳng với Mỹ trong bài phát biểu của mình.
“Nga thực sự quan tâm đến việc tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho biến đổi khí hậu, cũng như tất cả thách thức quan trọng khác”, tổng thống Nga nói.
Cả ông Tập và Tổng thống Putin đều không đưa ra cam kết cụ thể trong ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày. Tuy nhiên, những nhà vận động môi trường hy vọng sự kiện này sẽ tạo tiền đề cho cuộc họp của Liên Hợp Quốc về khí hậu vào tháng 11 tại Glasgow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ hợp tác để chống sự ấm lên toàn cầu. Ảnh: AP. |
Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói thế giới đang đối mặt với “thời điểm nguy hiểm”, nhưng cũng là “thời điểm của cơ hội”.
"Các dấu hiệu rất rõ ràng. Chúng ta không thể phủ nhận khoa học. Cái giá cho việc ngồi yên mà không làm gì đang tiếp tục tăng lên”, ông Biden phát biểu.
Ông Biden cam kết Mỹ sẽ cắt giảm 52% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trước năm 2030.
Tại hội nghị, Nhật Bản công bố mục tiêu giảm phát thải 46%. Hàn Quốc cho biết nước này sẽ ngừng tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quốc gia của ông sẽ nâng mức cắt giảm phát thải từ 30% lên ít nhất 40%.