Trung Quốc không áp đặt lại biện pháp phong tỏa diện rộng như khi virus lần đầu bùng phát ở Vũ Hán vào đầu năm nay. Thay vào đó, họ chỉ kiểm soát một nhóm người và tập trung vào xét nghiệm trên diện rộng để sàng lọc hơn một nửa trong số 21 triệu dân của thủ đô Bắc Kinh.
Cách tiếp cận này dường như đã đạt được kết quả. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Bắc Kinh giảm xuống chỉ còn một chữ số vào đầu tháng 7 và trong ba ngày qua, Bắc Kinh không ghi nhận ca nhiễm mới nào, theo AFP.
Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để bảo vệ thủ đô Bắc Kinh khi đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm.
Nhưng đến đầu tháng 6, khi cả nước chỉ còn vài ca dương tính, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng nhiều hạn chế và người dân không cần đeo khẩu trang ngoài trời. Đến ngày 11/6, sự xuất hiện của một ca nhiễm mới đã làm thành phố náo loạn.
Phần lớn trong số 335 ca nhiễm tiếp theo có liên quan đến chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh.
Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc đeo khẩu trang để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus corona trong khi đang chờ băng qua đường vào ngày 22/6. Ảnh: AP. |
Hàng nghìn người phải cách ly và 11 triệu người đã được xét nghiệm Covid-19.
Thành phố cấm cư dân sống trong khu vực có nguy cơ ra ngoài và yêu cầu những người khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính thì mới được rời đi.
Trong đợt bùng phát này, Bắc Kinh đã sử dụng phương pháp "kiểm soát chính xác" để phong tỏa từng khu dân cư tại các khu phố riêng biệt.
Mọi công nhân làm trong ngành hàng ăn uống trên toàn thành phố được yêu cầu xét nghiệm virus và một số quán bar phải đóng cửa.
Tuy nhiên, hầu hết trung tâm thương mại và nhà hàng ở các khu vực không phát hiện ca nhiễm nào vẫn được phép mở cửa.
Thành phố Bắc Kinh cũng tập trung vào việc truy tìm và cách ly nhanh chóng những người có khả năng bị phơi nhiễm với virus. Họ cho tình nguyện viên đến từng nhà và hỏi người dân liệu có tiếp xúc với người có nguy cơ phơi nhiễm virus hay chưa.
Một số người còn được yêu cầu xét nghiệm sau khi biển số xe họ xuất hiện trên camera an ninh ở gần chợ.
Cách Bắc Kinh đối phó với đợt bùng phát này khó có thể trở thành hình mẫu vì các yếu tố nguồn lực, khả năng tài chính và vốn xã hội ở những nước khác là rất khác, Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena của Singapore, nói với AFP.
Kinh tế của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biện pháp phong tỏa ban đầu để ngăn virus lây lan. Điều này sẽ khiến chính quyền Trung Quốc không áp đặt biện pháp phong tỏa diện rộng tương tự một lần nữa.
"Trung Quốc khó thực hiện lại phương pháp cũ trừ khi dịch trở nên nghiêm trọng hơn", nhà kinh tế cấp cao của công ty IHS Markit, bà Yating Xu, nói với AFP.