Ông Cui Shuhong, lãnh đạo Cục Bảo tồn Tự nhiên và Sinh thái Trung Quốc, cho biết sau nhiều năm nỗ lực bảo tồn, gấu trúc lớn không còn là loài nguy cấp trong tự nhiên, Guardian đưa tin hôm 9/7.
Dù vậy, với khoảng 1.800 cá thể ngoài tự nhiên, gấu trúc lớn vẫn là loài vật thuộc loại dễ tổn thương.
Người đứng đầu cơ quan trực thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc nói quyết định phân loại nói trên được ban hành sau khi xem xét "điều kiện sống được cải thiện" của loài gấu trúc.
Gấu trúc không còn trong tình trạng nguy cấp. Ảnh: PRI. |
Ông Cui cho biết động thái này phản ánh nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Bắc Kinh đã trồng thêm các rừng tre để mở rộng nơi sinh sống của gấu trúc lớn, đồng thời giúp loài động vật này hòa nhập tốt hơn vào môi trường.
Bên cạnh đó, ông Cui cũng cho biết số lượng hổ Siberia, voi châu Á và một số động vật khác cũng “tăng lên rõ rệt”.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều ý kiến đón nhận thông tin này với vẻ thích thú. “Điều này cho thấy những nỗ lực đã được đền đáp", một tài khoản Weibo cho biết.
Năm 2016, một số chuyên gia Trung Quốc từng lên tiếng phản đối khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xóa bỏ gấu trúc lớn khỏi danh sách loài nguy cấp và đưa chúng vào mục động vật dễ bị tổn thương.
Được xem là "quốc bảo", gấu trúc nhiều lần được Trung Quốc gửi cho các nhà lãnh đạo quốc tế và các nước, với trò "sứ giả" của Bắc Kinh.
Trên thực tế, gấu trúc vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa lâu dài. Trong 80 năm tới, IUCN cho biết biến đổi khí hậu có thể phá hủy hơn 35% các rừng tre - môi trường sinh sống và nguồn thức ăn chủ yếu của gấu trúc.