Bộ Thương Mại Mỹ cho rằng 14 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt có "liên quan đến những vi phạm và xâm hại nhân quyền ở Tân Cương". Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này.
"Bộ Thương mại cam kết hành động quyết liệt và dứt khoát nhằm đối với các thực thể có liên quan đến sự vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hoặc sử dụng công nghệ từ Mỹ để thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: AFP. |
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định hôm 9/7: "Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Chúng tôi đồng thời phản đối các nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc từ phía Mỹ".
14 thực thể Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt của Washington hôm 9/7 bao gồm Học viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Trung Quốc; Côn ty Công nghệ Viễn thông Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty Công nghệ Thông tin (CNTT) Hữu nghị Thâm Quyến; Công ty CNTT Xinjiang Sailing; Công ty CNTT Beijing Geling Shentong; Công ty Công nghệ Shenzhen Hua'anta và Công ty Bảo mật Chengdu Xiwu.
20 doanh nghiệp và tổ chức còn lại trong đợt bổ sung danh sách trừng phạt này là các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân từ Nga và Iran. Ngoài ra, năm thực thể khác hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng được đưa vào danh sách trừng phạt của Washington.
Danh sách này cũng bao gồm 8 tổ chức hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng của Mỹ sang Iran và 6 tổ chức bị cáo buộc sử dụng linh kiện điện tử từ Mỹ để thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Nga.
Vào tháng 6, Washington cũng bổ sung thêm 5 công ty Trung Quốc vào "danh sách thực thể bị trừng phạt".