Tính đến cuối tháng 3, Fiji chỉ ghi nhận hai trường hợp tử vong và 70 ca nhiễm trong toàn bộ đại dịch. Quốc gia nằm trên Thái Bình Dương này đã may mắn tránh được những đợt bùng phát Covid-19.
Trong một năm dài, đại dịch chủ yếu tác động vào nền kinh tế của Fiji. Giống như nhiều quốc gia khác trên Thái Bình Dương, quốc đảo này phụ thuộc rất lớn vào du lịch.
Tuy nhiên, vào tháng 4, số ca nhiễm mới hàng ngày tăng lên một cách đột ngột. Chính quyền Fiji đã áp đặt lệnh phong tỏa và triển khai tiêm vaccine, nhưng số trường hợp mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng. Hiện tại, Fiji có tổng cộng 5.776 trường hợp dương tính với Covid-19, theo Guardian.
Số người nhiễm virus ở Fiji tăng vọt từ tháng 4. Đồ họa: Our World In Data. |
“Covid-19 làm tôi sợ”
Y tá Sharon Zibran thức dậy vào 5 giờ 30 phút mỗi ngày để chuẩn bị cho công việc tiêm chủng. Cô làm việc cùng 50 người khác tại Nakasi, đảo Viti Levu của Fiji. Họ cố gắng tiêm phòng cho gần 25.000 người sống tại khu vực này.
Cô luôn cố gắng tận hưởng ngày cuối tuần vì đây là ngày duy nhất cô được ở bên con. Nhưng cô vẫn phải cảnh giác để tránh việc vô tình lây Covid-19 cho hai đứa trẻ. Sharon đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine AstraZeneca. Đây là lựa chọn duy nhất đối với công dân Fiji vào thời điểm hiện tại.
Chỉ có 9% dân số Fiji được tiêm phòng đủ 2 mũi và 54% được tiêm ít nhất một mũi.
Một phụ nữ được tiêm vaccine AstraZeneca tại Fiji. Ảnh: ABC News. |
“Ban đầu tôi sợ hãi, đặc biệt khi tôi là một nhân viên tuyến đầu. Sau khi được tiêm vaccine và cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân, tôi cảm thấy tự tin hơn”, Zibran nói. “Tỷ lệ tiêm chủng càng cao thì sẽ cung cấp càng nhiều khả năng bảo vệ gia đình và đất nước. Đã có một số người nghi ngờ hiệu quả vaccine. Khi chúng tôi giải thích cho những người đó, họ đã vượt qua được nỗi sợ hãi”.
Jese Smith, một y tá khác, lại có nhiều nỗi trăn trở hơn mặc dù anh cũng được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.
“Tôi luôn sợ hãi. Mỗi ngày bước khỏi cửa và đi làm, tôi biết rủi ro và khả năng lây nhiễm là rất cao. Tôi rất sợ khi nghĩ rằng nếu có bất cứ điều gì xảy ra với tôi, tôi sẽ phải để lại đứa trẻ cho ông bà”, anh nói.
Anh phải làm việc xa nhà trong vòng 14 ngày. Sau đó, Smith tiếp tục phải cách ly 14 ngày nữa thì mới có thể trở về cùng gia đình.
Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại Fiji. Ảnh: AFP. |
“Đại dịch đã khiến gia đình tôi phải thích nghi với các cuộc gọi điện thoại và video. Con tôi thường hỏi 'Bố ơi, bao giờ bố về, sao bố không ở nhà lâu hơn. Bố luôn đi ra ngoài'. Những câu hỏi của con luôn khiến tôi rơi nước mắt”, anh chia sẻ. “Mỗi ngày tôi đi làm và không thể chắc chắn liệu tôi có được về nhà trong ngày hôm đó hay không. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể sẽ tiếp xúc với một ca dương tính. Sau đó, tôi lại phải cách ly 14 ngày. Thật khó khăn”.
Chính trong những thời điểm đó, anh liên tục nhắc nhở bản thân về công việc anh đã chọn và đam mê.
Smith khẳng định: “Cho dù có đối mặt với những ca dương tính Covid-19, những nhân viên y tế như chúng tôi vẫn cố gắng cống hiến hết mình để chữa trị cho bệnh nhân”.
Nền kinh tế đình trệ
Lĩnh vực du lịch của Fiji đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Ngành du lịch đóng góp tới 40% GDP của Fiji và tạo công ăn việc làm cho khoảng 140.000 người dân. Vào năm 2019, ngành du lịch của quốc gia này được định giá hơn 1,9 tỷ USD.
Khoảng 93% trong tổng số 279 thành viên của Hiệp hội Khách sạn và Du lịch Fiji đã phải đóng cửa vì lượng khách du lịch giảm mạnh.
Sereana Naituki là một trong nhiều nhân viên mất việc do khách sạn đóng cửa. Bà làm việc tại Naviti Resort Fiji. Chồng bà cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự.
Gia đình bà phải quay trở lại với công việc chân tay để kiếm sống.
“Khi làm việc tại khách sạn, chúng tôi không có thời gian cho những công việc chân tay. Chúng tôi đang kiếm được thu nhập từ du lịch. Nhưng đại dịch này đã dạy cho chúng tôi một bài học. Bây giờ gia đình tôi phải trồng rau và nuôi cá để sống qua ngày”, bà nói.
Đường phố Suva, Fiji trống vắng sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ảnh: Reuters. |
Gia đình bà có một khu vườn trồng cà chua, đậu bắp, cà tím và bắp cải. Các gia đình trong làng thường xuyên trao đổi thực phẩm với nhau. Nông phẩm có thể đổi lấy cá, bạch tuộc hoặc thậm chí là thịt gà.
“Nông phẩm thừa được chúng tôi buôn bán ở chợ ven đường. Một chùm dừa hoặc một mớ rau có giá khoảng 2,5 USD. Một chùm cá tươi có giá từ 5 đến 10 USD”.
Bà Naituki cho biết nông dân trong làng đã tập hợp thành một cộng đồng để hỗ trợ lẫn nhau. Đại dịch đã giúp bà dành nhiều thời gian hơn cho chồng và con cái.
Vào tháng 6, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nhận định các nước đang phát triển chưa bao giờ hoàn toàn thực hiện thành công việc phong tỏa đất nước.
“Thật dễ dàng thực hiện biện pháp phong tỏa quyết liệt nếu bạn làm công việc được trả lương cao và có khoản tiết kiệm ổn định”, ông nói.
Thủ tướng cho biết Fiji sẽ vượt qua đại dịch bằng cách áp dụng các biện pháp thông minh và có mục tiêu cho đến khi đất nước đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Ông Bainimarama hy vọng rằng vaccine AstraZeneca sẽ bảo vệ người Fiji khỏi nguy cơ nhập viện.
“Nếu tuân theo những quy tắc phù hợp, chúng tôi có thể đưa virus vào tầm kiểm soát và bảo vệ được sức khỏe, việc làm, doanh nghiệp Fiji và triển vọng phát triển đất nước”, ông Bainimarama khẳng định.