Đến ngày 5/7, Indonesia đang phải điều trị cho 295.228 bệnh nhân Covid-19 - con số cao nhất từ trước tới nay, và tăng gấp đôi kể từ thời điểm 2 tuần trước.
Nhiều bệnh viện tại Jakarta và Tây Java thông báo tình trạng quá tải. Người bệnh đến đây thường phải chờ hàng tiếng trong những túp lều dựng tạm.
Theo dữ liệu do Jakarta Globe thu thập, số bệnh viện điều trị Covid-19 tại Jakarta chỉ còn 10% giường trống. Tình hình còn xấu hơn ở những tỉnh lân cận như Banten và Tây Java, với tỷ lệ sử dụng giường bệnh lần lượt là 93% và 92%.
Các bệnh viện cũng đối diện tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy, gây khó khăn cho điều trị bệnh nhân. Truyền thông địa phương từng đưa tin 63 bệnh nhân tại bệnh viện Sardjito, trên đảo Java đã tử vong vào ngày 4/7 vì thiếu oxy.
Để giảm tải cho hệ thống y tế trên khắp đất nước, chính phủ Indonesia ngày 5/7 ra quyết định cung cấp dịch vụ thăm khám từ xa miễn phí để hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 đang tự cách ly ở nhà.
Người dân xếp hàng chờ tới lượt bơm đầy bình oxy y tế cho người nhà mắc Covid-19 tại Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ ở nhà
11 nền tảng thăm khám từ xa của các công ty tư nhân, bao gồm GrabHealth, GetWell, Good Doctor… sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn bác sĩ và vận chuyển thuốc. Mọi chi phí do Bộ Y tế chi trả.
“Mọi dịch vụ này được đài thọ bởi Bộ Y tế cùng những người bạn của chúng ta ở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khám tại nhà”, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 5/7 cho biết.
Bệnh nhân Covid-19 nằm trên giường xếp trong một phòng cấp cứu thuộc bệnh viện ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ sẽ là bệnh nhân lý tưởng của dịch vụ thăm khám từ xa. Đặc điểm chung của họ là có độ bão hòa oxy trong máu trên 95%, không bị hụt hơi, và không có bệnh lý nền.
“Các bệnh nhân Covid-19 có thể kịp thời tiếp nhận dịch vụ y tế mà không cần phải xếp hàng chờ đợi ở bệnh viện. Từ đó, bệnh viện có thể ưu tiên chữa trị cho người có triệu chứng trung bình, nặng, hoặc nghiêm trọng”, Bộ trưởng Gunadi nói.
Bộ trưởng Gunadi còn cho biết bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ được khuyến cáo nên tự cách ly ở nhà vì rủi ro lây nhiễm virus tại bệnh viện thường cao hơn thông thường.
Ngoài ra, bệnh nhân ở nhà cũng ổn định về mặt tâm lý hơn, nên độ miễn dịch của họ cũng thường vững chãi hơn, theo ông Gunadi.
Lo ngại về tính tự giác
Đây không phải lần đầu tiên người bệnh Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại Indonesia được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Tháng 3/2020, khi bệnh viện tại thủ đô Jakarta trong tình trạng quá tải, chính quyền thành phố cũng để hàng chục ca dương tính tự cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, việc làm này dẫn tới một số lo ngại như làm thế nào nhà chức trách có thể giám sát đường di chuyển của người bệnh để chắc chắn họ ở nhà.
Hơn nữa, quy trình cách ly tại nhà của chính quyền dựa vào sự tự giác của người dân và không đề cập tới mức phạt cho hành vi không tuân thủ.
Trả lời Jakarta Post trong đợt dịch tháng 3/2020, Bayu Krishnamurti, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia kiểm soát cúm gia cầm và phòng ngừa đại dịch Indonesia, từng cho biết chính phủ không thể phân bổ 1 nhân viên y tế đặc biệt để giám sát người dân cách ty tại nhà.
Người đào mộ nghỉ ngơi trong lúc làm việc tại nghĩa trang dành cho bệnh nhân chết vì Covid-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Cách tiếp cận hiện nay dường như cũng không thay đổi khi chính phủ Indonesia vẫn kêu gọi bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ tự cách ly ở nhà.
Trong làn sóng Covid-19 lần này, tính tới ngày 5/7, số người đang tự cách ly tại thủ đô Jakarta, một điểm nóng dịch bệnh, lên tới hơn 62.000 người, theo web chính thức của chính quyền Jakarta.
Số liệu của các tỉnh thành khác không được công bố.
Tổng thống kêu gọi dân ở yên trong nhà
Hệ số lây nhiễm R của Indonesia cũng vẫn đang ở mức trên 1. Điều này phản ánh số ca nhiễm sẽ còn gia tăng.
R là đại lượng chỉ mức độ lây lan của một dịch bệnh. Ví dụ, R1 tức là 1 người bệnh sẽ lây lan cho 1 người khác. Nếu R nhỏ hơn 1, dịch bệnh sẽ đi vào giai đoạn thoái trào, và cuối cùng là kết thúc, theo Guardian.
Trong lúc đó, chương trình tiêm chủng của Indonesia vẫn còn cách đích đến một khoảng khá xa. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 181 triệu người (tức khoảng 67% dân số) trước tháng 3/2022.
Đến ngày 5/7, hơn 32,4 triệu người ở Indonesia đã được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, và khoảng 14 triệu người được tiêm đủ 2 mũi, theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia.
Đến nay, Indonesia có tổng cộng hơn 2,3 triệu ca nhiễm virus corona và hơn 61.000 ca tử vong.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa qua đã kêu gọi người dân ở nhà trong giai đoạn giới hạn nghiêm ngặt các hoạt động xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giảm gánh nặng cho nhân viên y tế tuyến đầu.
“Lúc này không có nơi nào tốt hơn ở nhà và tránh xa đám đông. Không chỉ bảo vệ người thân và người xung quanh, điều này còn giúp các nhân viên y tế đang vật lộn để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19”, Tổng thống Widodo viết trên Twitter.
“Bằng sự đoàn kết, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Widodo nói.