Các quy định mới cho thấy Trung Quốc sẽ cấm các công ty dạy theo giáo trình của trường học để thu lợi nhuận, huy động vốn hoặc phát hành cổ phiếu công khai.
Cụ thể, các công ty giáo dục tư nhân không được tổ chức dạy kèm các nội dung liên quan đến giáo trình trong các trường học vào ngày cuối tuần hoặc kỳ nghỉ. Lĩnh vực dạy thêm không được mở các lớp học cho trẻ em dưới 6 tuổi - nhóm tuổi đang bị ép đi học sớm.
Bên cạnh đó, giáo trình nước ngoài cũng bị cấm sử dụng. Giới chức Trung Quốc sẽ thắt chặt giám sát việc nhập khẩu sách giáo khoa hay thuê giáo viên nước ngoài - những người sinh sống bên ngoài Trung Quốc. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc lệnh cho chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ quy trình phê duyệt các công ty cung cấp dịch vụ đào tạo ngoài chương trình giảng dạy.
Trước đó, giá trị thị trường trong lĩnh vực công nghệ giáo dục của Trung Quốc đã tăng lên 100 tỷ USD, hướng mục tiêu kinh doanh đến việc phục vụ nhu cầu tìm kiếm mọi lợi thế cho con cái của nhiều bậc phụ huynh.
Ngành công nghiệp giáo dục tư nhân đang chịu sức ép lớn từ những quy định mới của Trung Quốc. Ảnh: The Japan Times. |
Về cơ bản, những cải cách giáo dục của Bắc Kinh sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, buộc các công ty và nhà đầu tư chuyển mình mạnh mẽ. Hơn thế, các khoản đầu tư nước ngoài vào các công ty giáo dục theo giáo trình trường học đều bị cấm. Bất kỳ công ty nào vi phạm cần khắc phục tình hình.
Các cổ phiếu edutech đình đám một thời của TAL Education Group, New Oriental Education & Technology Group và Gaotu Techedu chứng kiến đà giảm sâu hơn 50% vào ngày 23/7, sau những báo cáo ban đầu về quy định siết dạy thêm của Trung Quốc, đe dọa tương lai thế hệ công ty khởi nghiệp giáo dục mong mỏi được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hiện tại, lĩnh vực giáo dục tư nhân Trung Quốc đã thu hút hàng tỷ USD với kỳ vọng tạo ra khoản doanh thu 491 tỷ NDT (76 tỷ USD) vào năm 2024. Alibaba, Tencent Holdings và ByteDance là những ông lớn góp mặt vào danh sách nhà đầu tư ủng hộ ngành công nghiệp này. Ngoài ra, những công ty nước ngoài như Tiger Global Management, Temasek Holdings và SoftBank Group cũng góp vốn vào danh mục đầu tư hấp dẫn ở Trung Quốc.
Theo Bloomberg, các công ty hoạt động dựa trên nền tảng Internet ngày càng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn vì khối lượng lớn dữ liệu nắm giữ được. Quốc vụ viện cho biết Trung Quốc sẽ cải thiện chất lượng các dịch vụ giáo dục trực tuyến do nhà nước điều hành và cung cấp dịch vụ này miễn phí.
Cuối cùng, không rõ cuộc trấn áp của chính phủ lên ngành giáo dục tư nhân sẽ diễn ra như thế nào. Nhiều người vẫn tin rằng Bắc Kinh sẽ không triệt tiêu ngành công nghiệp đóng vai trò thiết yếu trong quá trình giáo dục lực lượng lao động tương lai.