Theo Business Insider, nhiều khả năng du lịch đi vào vũ trụ sẽ trở thành thú vui dành riêng cho các tỷ phú và triệu phú trong nhiều năm tới.
Hãng Virgin Galactic công bố giá vé cho các chuyến du hành vũ trụ khoảng 250.000 USD/người. Đến nay, Virgin Galactic chứng kiến khoảng 600 lượt đặt vé để bay tới rìa không gian.
Dù hãng Blue Origin của Jeff Bezos vẫn chưa công bố giá vé chính thức, nhà sáng lập Amazon tiết lộ giá vé sẽ cạnh tranh với công ty của Branson. Trong buổi đấu giá, chiếc vé đầu tiên trên chuyến bay của Bezos được bán với giá 28 triệu USD.
Ngày 20/7, toàn bộ chuyến du hành vũ trụ kéo dài 10 phút đã tiêu tốn của Jeff Bezos 5,5 tỷ USD. Cùng ngày, Blue Origin cho biết đã bán được khoảng 100 triệu USD vé du hành.
Ngày 20/7 vừa qua, Jeff Bezos đã có chuyến bay vào vũ trụ kéo dài 10 phút thành công. Ảnh: BBC. |
Jeff Bezos đang lên kế hoạch thực hiện các chuyến du hành vũ trụ với tần suất “dày” hơn trong tương lai. “Chúng ta cần triển khai các chuyến du hành vũ trụ tốt tương tự như cách vận hành các chuyến bay thương mại”, ông Bezos khẳng định.
Đối với CEO SpaceX, Elon Musk tin rằng chi phí đặt chân lên vũ trụ - đặc biệt là ghé thăm sao Hỏa - ngày nào đó sẽ tương đương với chi phí mua một ngôi nhà.
Bất chấp việc Bezos và Musk nỗ lực khiến hình thức du lịch vũ trụ trở nên phổ biến và hợp lý, công nghệ hiện tại vẫn quá đắt đỏ để một người bình thường có thể sở hữu tấm vé bay vào không gian.
Dựa trên luật pháp, những người đi trên Blue Origin hay Virgin Galactic “không phải phi hành gia hoặc hành khách”. “Về cơ bản, họ là những người tham gia thử nghiệm với rủi ro lớn”, Business Insider dẫn lời Ram Jakhu - Giám đốc Viện Luật Hàng không và Vũ trụ.
Bên cạnh đó, các cá nhân tham gia du lịch vũ trụ phải ký vào bản hợp đồng miễn trừ trách nhiệm của các công ty nếu gặp rủi ro như bị thương hoặc thiệt mạng trong chuyến du hành.
“Hiện tại, những chuyến bay này chỉ là hình thức nhảy bungee tinh vi mà thôi”, Frans Von der Dunk - Giáo sư Luật Không gian tại Đại học Nebraska-Lincoln - nhận định.