Sáng ngày 24/7, giá thực phẩm tại các chợ dân sinh Hà Nội có sự chênh lệch rõ rệt.
Tại chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), giá các mặt hàng rau củ vẫn giữ mức tăng nhẹ. Cụ thể, giá cà chua 40.000 đồng/kg. Giá rau muống dao động 20.000-25.000 đồng/kg. Bí xanh có giá 25.000 đồng/kg. Giá chanh nằm trong khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Hành hoa có giá 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá thịt lợn tăng cao. Tại ngõ chợ Khâm Thiên, một số tiểu thương bán ra 160.000 đồng/kg thịt lợn. Chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) chứng kiến giá thịt lợn tăng tương tự, dao động 150.000-170.000 đồng/kg. Trước đó, khi Hà Nội quyết định siết chặt giãn cách, giá thịt lợn tại các chợ tăng nhẹ lên mức 130.000 đồng/kg.
Lý giải mức giá tăng vọt, chị Kiều - tiểu thương kinh doanh tại chợ Hoàng Văn Thái - cho biết: “Quá trình vận chuyển thịt lợn vào Hà Nội và phân phát cho các chợ dân sinh gặp khó khăn, khiến giá bị đẩy lên cao hơn so với ngày thường”. Hiện tại, giá thịt lợn trong quầy hàng của chị dao động 150.000-170.000 đồng/kg.
Nhiều người Hà Nội đổ đến các chợ truyền thống mua sắm vào sáng 24/7. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo khảo sát của Zing, trứng là mặt hàng được nhiều người mua nhất. Do vậy, mức giá cũng không ổn định. Tại chợ Khâm Thiên và chợ Bách Khoa, giá trứng gà tăng từ 35.000 đồng/chục lên 40.000 đồng/chục. Thậm chí, một số tiểu thương tại chợ Hoàng Văn Thái bán ra tới 45.000 đồng/chục trứng gà.
Giá thịt gia cầm và hải sản giữ mức bình ổn, tương tự mức giá trong ngày Hà Nội siết chặt giãn cách. Cụ thể, giá thịt gà là 130.000 đồng/kg. Giá thịt vịt lông 65.000 đồng/kg. Cá chép giữ giá 50.000 đồng/kg. Cá rô phi có giá 40.000 đồng/kg. Giá ngao ở mức 20.000 đồng/kg.
Quan sát tại các chợ Hà Nội, một số quầy hàng trước đây bán thịt gia cầm đã đóng cửa hoặc chuyển sang bán rau củ. “Thịt gia cầm không được quan tâm nhiều nên tôi ngừng nhập, tạm thời chuyển sang bán rau, củ để mưu sinh”, một tiểu thương tại chợ Bách Khoa chia sẻ.
Trong sáng ngày 24/7, một số chợ cóc, chợ tạm đã được yêu cầu dừng hoạt động. Mặc cho biển cấm họp chợ xuất hiện cùng lời vận động của chính quyền địa phương, các tiểu thương và người dân vẫn tụ tập đông đúc tại các quầy hàng, không đảm bảo yêu cầu giãn cách phòng chống dịch.
“Bản thân tôi không lo lắng Hà Nội thiếu thực phẩm. Điều tôi lo lắng là các khu chợ ở Hà Nội thường rơi vào tình trạng đông đúc, thiếu an toàn mỗi khi TP ra chỉ thị mới”, chị Thái Anh bức xúc.
Hà Nội đảm bảo đủ hàng hóa cho người dân trong 3 tháng
Ngày 23/7, Sở Công Thương Hà Nội cho biết trước diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp sẽ bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Đêm 23/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký Chỉ thị số 17 về thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Theo chỉ thị này, Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố.
Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.