Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội đảm bảo đủ hàng hóa cho người dân trong 3 tháng

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa của nhân dân, kể cả khi sức mua tăng cao.

Ngày 23/7, Sở Công Thương Hà Nội cho biết trước diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp sẽ bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn TP trong tình hình mới, Sở Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời chủ trì, phối hợp tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối

"Chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…", Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Ha Noi dam bao du hang hoa anh 1

Hàng hóa đầy ắp các kệ hàng tại các siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Văn Hưng.

Phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp...

Song song với đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.

Các doanh nghiệp phân phối, siêu thị tiếp tục tăng cường các biện pháp khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, tìm kiếm nguồn hàng thay thế, bổ sung từ các tỉnh, thành phố; Đẩy mạnh thực hiện bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…

Hiện nay, trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

"Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn", Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Đơn vị này khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, TP đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Bún đậu bán không chạm tay nhau qua tấm chắn nylon ở Hà Nội

Những ngày siết chặt giãn cách, một hộ kinh doanh bún đậu lâu năm ở phố cổ Hà Nội căng nylon chắn ngang cửa khi bán cho khách, phòng dịch Covid-19.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm