Thông tấn xã Đài Loan ngày 11/6 đưa tin, sau khi Bắc Kinh đưa vụ giàn khoan Hải Dương 981 ra Liên Hiệp Quốc (vu cáo trắng trợn Việt Nam), giới học giả Trung Quốc bình luận, động thái này không có nghĩa là Bắc Kinh đã thay đổi lập trường chống quốc tế hóa Biển Đông mà chỉ nhằm "tăng cường căn cứ đạo đức, chuẩn bị dư luận" cho những hành động tiếp theo.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Tân Hoa Xã dẫn lời Chu Vĩnh Sinh, Giáo sư quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng việc Trung Quốc thông báo với Liên Hiệp Quốc là hành động nhằm chuẩn bị dư luận để Bắc Kinh từ nay có thể sử dụng "các biện pháp chế áp cần thiết để ngăn chặn Việt Nam".
Theo Tân Hoa Xã, giới ngoại giao Trung Quốc lo ngại rằng nếu Bắc Kinh không sử dụng các tổ chức quốc tế để "nói rõ lập trường" vụ giàn khoan Hải Dương 981 thì rất có khả năng rơi vào thế bị động về mặt ngoại giao.
Mặc dù Trung Quốc là nước xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh ngày 9/6 lại gửi một “Bản tuyên bố lập trường” lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon về giàn khoan Hải Dương 981, vu khống trắng trợn Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Biên tập viên Shannon Tiezzi nhận định trên trang mạng Diplomat (Nhật Bản), rằng “Bản tuyên bố lập trường” này cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan ngại bị Việt Nam và các quốc gia trong khu vực kiện ra tòa án quốc tế, dùng luật pháp quốc tế để phản đối những tuyên bố về chủ quyền “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Zachary Keck, cựu phó tổng biên tập trang e-International Relations, từng làm việc trong Quốc hội cũng như Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhìn bề ngoài, quyết định trên của Trung Quốc là khá khó hiểu. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần và liên tục chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của các nước trong khu vực cũng như bên thứ 3 là Mỹ, rằng họ đang tìm cách “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên bố này của Trung Quốc thường được đưa ra ở các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-La hay các Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN. Zachary Keck cũng nhận định, bằng cách chủ động đưa vấn đề ra một tổ chức quốc tế, Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa với Liên Hiệp Quốc và ngăn cản Việt Nam cũng như các nước láng giềng khác kiện Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đây là một canh bạc nguy hiểm. Bắc Kinh đang quốc tế hóa các tranh chấp dựa trên niềm tin rằng luật pháp quốc tế là hữu ích với quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tương đối mạnh mẽ. Nhưng tuyên bố “đường chín đoạn” của họ lại mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Do đó, Trung Quốc đang mạo hiểm tạo ra một tiền lệ mà họ sẽ không muốn có trong nhiều trường hợp tương tự.
Giàn khoan 981 chỉ là kế nghi binh đánh lạc hướng dư luận?
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời Tiến sĩ Gordon G. Chang, một nhà bình luận thời sự Mỹ gốc Hoa, phân tích, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ít khả năng có dầu khí và hiệu quả kinh tế gần như không có, nhưng lại nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và gần quần đảo Hoàng Sa. Ở vị trí này, Trung Quốc sẽ thu hút tối đa sự chú ý và phản ứng của Việt Nam nhưng lại ngăn chặn sự can thiệp của ASEAN và quốc tế. Đến ngày 15/8 Trung Quốc có thể rút giàn khoan. Nhưng đến lúc đó, Bắc Kinh có thể đã cải tạo xong phần nền trong kế hoạch biến các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự.
Trung Quốc có lẽ không nhiều tiền nuôi giàn khoan Hải Dương 981 và "hạm đội" hơn 100 tàu hộ tống mãi được, chỉ e khi họ rút thì đã có một hay hai đảo nổi đã đắp xong ở Trường Sa.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, Roilo Golez, đưa ra cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với hãng tin ABS-CBN (Philippines) rằng: “Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa có thể làm thay đổi cục diện không chỉ đối với Philippines, mà còn cả toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Ông Golez cảnh báo một khi căn cứ nói trên được hoàn thiện, toàn bộ Philippines và Việt Nam đều nằm trong tầm hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc. Nhiều phần lãnh thổ Malaysia cũng sẽ nằm trong phạm vi có bán kính khoảng 1.600 km của căn cứ này. Ông Golez cho rằng Trung Quốc, với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đủ sức xây dựng một hòn đảo nhân tạo gần bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, với một căn cứ quân sự rộng khoảng 5 km2 tọa lạc bên trên.
Ông Golez nhận định rằng Bắc Kinh thường chọn cách xây dựng các điểm trú ngụ tạm thời cho ngư dân tại các vùng đang có tranh chấp chủ quyền với nước khác, trước khi biến chúng thành những căn cứ kiên cố, như từng làm ở bãi đá Vành Khăn cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp ở Trường Sa không chỉ nhằm phục vụ Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) hay hỗ trợ tàu quân sự, mà còn dùng để hỗ trợ ý đồ Trung Quốc lê giàn khoan dầu khắp Biển Đông. Nước này đang cấp tập đóng thêm nhiều giàn khoan mới và Reuters dẫn lời một số chuyên gia tin rằng sớm muộn gì giàn khoan Hải Dương 981 sẽ đi xuống khu vực nam Biển Đông.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, cát, xi măng, gỗ và thép là những công cụ mới nhất trong “kho vũ khí” phục vụ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Hãng tin này dẫn nguồn tin là các ngư dân và giới chức Philippines cho biết, tàu Trung Quốc đang thường xuyên chở vật liệu qua vùng nước gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng. Điều này có thể dẫn tới sự ra đời của những hòn đảo hoàn toàn mới.
Theo Bloomberg, đảo nhân tạo có thể phục vụ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời tạo ra căn cứ quân sự để nước này kiểm soát vùng biển nơi có những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. “Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là chiếm quyền kiểm soát thực tế, cho dù không phải là chính thức và hợp pháp, đối với các vùng nước lân cận, phía tây của Thái Bình Dương”, ông Richard Javad Heydarian, giảng viên đại học Ateneo de Manila của Philippines, nhận xét.
Trước tình hình trên, các nhà quan sát quốc tế đều đánh giá những bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên biển là cực kỳ nguy hiểm. Chính chuyên gia Trương Khiết tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng nói thẳng: “Xây dựng đảo nhân tạo chắc chắn có thể tiếp tế cho tàu và các giàn khoan dầu, nhưng sẽ gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng trong khu vực”. Chuyên gia này cảnh báo tiếp, những hành vi như vậy sẽ càng khiến các nước láng giềng mất niềm tin với Trung Quốc.
Ngày 8/6 chuyên gia quân sự Philippines Jose Antonio Custodio bình luận, các hoạt động của Trung Quốc biến bãi đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa là nhằm tăng cường yêu sách "đường lưỡi bò". Một khi Bắc Kinh làm được điều này, họ sẽ sử dụng các căn cứ để thiết lập một vành đai phong tỏa hiệu quả hơn nhiều, ngăn chặn bất kỳ hoạt động nào của các bên liên quan.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel hôm 10/6 cũng cho rằng những thông tin về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông là "đi quá xa so với việc duy trì nguyên trạng". Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng mọi hành động cưỡng ép và đe dọa dùng vũ lực đều "không thể chấp nhận".