“Tôi không có đủ vốn để đầu tư cho hai dự án quân sự - dân sự và các kế hoạch khác vì vụ tàu sân bay không chỉ tiêu tốn phần lớn số vốn mà còn khiến tôi rơi vào cảnh nợ nần”, tờ South China Morning Post dẫn lời doanh nhân Xu Zengping khi đề cập tới thương vụ mua Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Xu cho biết, trong hơn 20 năm qua, ông đã phải vay tiền để trang trải các khoản nợ từ hợp đồng mua bán tàu sân bay Varyag của Ukraine. Varyag sau được đổi tên thành Liêu Ninh dưới quyền sở hữu chính thức của Trung Quốc.
Doanh nhân
Xu Zengping. Ảnh: SCMP |
Theo doanh nhân Hong Kong, ban đầu Chuẩn đô đốc He Pengfei và sau này là Phó tư lệnh Hải quân Trung Quốc cử ông là người trung gian mua tàu sân bay Varyag từ nhà máy đóng tàu Nikolayev South ở Biển Đen vào năm 1998 với giá 20 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, tổng chi phí mua và vận chuyển tàu về cảng Đại Liên, ngốn của ông Xu tới 120 triệu USD.
“Một số người trong quân đội thậm chí còn cố tình bôi nhọ tên tuổi của tôi. Họ cho rằng tôi kiếm được nhiều tiền từ thỏa thuận này. Nếu tôi muốn kiếm lời từ việc này, tôi sẽ bán tàu sân bay sau khi mua nó. Nhưng tôi đã không làm thế, phải không?”, ông Xu nói.
Doanh nhân Xu còn cho biết, một điều “rất vô lý” là cho tới giờ, cả chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc không trả cho ông một đồng Nhân dân tệ nào sau thương vụ mua tàu sân bay của Ukraine.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Ảnh: SCMP |
Xu cho biết chính phủ từ chối thanh toán bởi “hải quân không có đủ ngân sách vào thời điểm cuối những năm 1990, do kinh tế Trung Quốc khó khăn”. Tuy nhiên, theo ông, ít nhất họ nên có lời giải thích chính thức về việc tàu sân bay đã được chuyển cho hải quân bằng cách nào? Và vai trò của ông trong thỏa thuận là gì.
Tàu sân bay Varyag đã đổi tên thành Liêu Ninh khi nó chính thức được chuyển giao cho quân đội Trung Quốc tháng 9/2012. Cho đến nay, nó chỉ được sử dụng cho hoạt động đào tạo. Thậm chí, doanh nhân Xu không được mời đến dự buổi vận hành chính thức của tàu.