Tàu sân bay Liêu Ninh chuẩn bị ra biển trong một thử nghiệm. Ảnh: Chinesemilitaryreview> |
Trung Quốc đã xác nhận đang đóng mới tàu sân bay thứ 2 tại quân cảng Đại Liên. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân cho biết, tàu sân bay mới có lượng giãn nước khoảng 50.000 tấn, có thể mang các chiến đấu cơ J-15. Tàu được thiết kế với đường băng kiểu nhảy cầu.
Ông Dương không tiết lộ thời gian chính xác tàu được đưa vào sử dụng mà chỉ nói nó phụ thuộc vào tiến độ của quá trình chế tạo. Trước đây, các chuyên gia phân tích quân sự nước ngoài và truyền thông Trung Quốc từng công bố hình ảnh, ảnh vệ tinh và những thông tin cho thấy Bắc Kinh đang đóng tàu sân bay ở cảng Đại Liên, tuy nhiên, nước này chưa lên tiếng công bố chính thức.
Vẫn tụt hậu so với Mỹ
Bài xã luận trên tờ Global Times đăng ngày cuối cùng của năm 2015 thừa nhận, tàu sân bay thứ 2 của nước này vẫn tụt hậu nhiều so với hàng không mẫu hạm của Mỹ. Hai công nghệ quan trọng là máy phóng hơi nước và động lực hạt nhân không được áp dụng cho thiết kế mới. Lượng giãn nước của tàu mới khoảng 50.000 tấn, chỉ bằng một nửa so với tàu sân bay Mỹ.
Đóng mới siêu hàng không mẫu hạm tương tự của Mỹ là một nhiệm vụ dài hơi và đầy thách thức với Trung Quốc. Căn cứ vào tình hình hiện tại, Trung Quốc cần nhiều thập kỷ nữa để có thể đóng mới một tàu đẳng cấp thế giới.
Bên cạnh đó, tàu sân bay đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn so với thời điểm Thế chiến II khi chúng là những “vị vua của biển”. Ngày nay, tên lửa chống hạm là mối đe dọa lớn nhất đối với hàng không mẫu hạm và gây khó khăn cho đội tàu hộ tống.
Hoàn thiện năng lực phòng thủ
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Militaty Today |
Nhà nghiên cứu Zhang Junshe, thuộc Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc nói với 81.cn (trang mạng chính thức của quân đội) rằng, việc nước này đóng mới tàu sân bay thứ 2 là bình thường và quy mô nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, thậm chí là cả Ấn Độ.
Ông Zhang lập luận, tàu sân bay mới có thể giúp Trung Quốc bảo vệ tốt hơn hòa bình và ổn định trên thế giới, thể hiện vai trò là một quốc gia có trách nhiệm. Là quốc gia đi sau, Trung Quốc cần đóng mới các tàu sân bay thông thường trước để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ đóng mới hàng không mẫu hạm hạt nhân.
Quá trình thiết kế và đóng mới tàu sân bay đều dựa trên các công nghệ trong nước mà không có sự trợ giúp từ nước ngoài. Ông Zhang cho biết thêm, tương lai hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ được trang bị máy phóng nhưng quá trình này phải thực hiện từng bước vì liên quan đến nhiều công nghệ phức tạp.
So với Liêu Ninh, tàu sân bay thứ 2 sẽ có công nghệ và hiệu suất tốt hơn. Trong khi tàu đầu tiên chỉ phục vụ cho hoạt động thử nghiệm và đào tạo, hàng không mẫu hạm thứ 2 sẽ có khả năng thực hiện một số hoạt động chiến đấu, cứu trợ nhân đạo.
Trong khi đó, Global Times cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh mẽ vì vậy áp lực với họ cũng nhiều hơn. Do đó, nước này cần có một vài tàu sân bay để hoàn thiện năng lực phòng thủ quốc gia.