Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc bị cho 'ra rìa' trong quỹ đầu tư 20 tỷ USD của Indonesia

Indonesia sắp lập quỹ đầu tư quốc gia, sau khi mời gọi các cam kết tham gia từ 50 tổ chức quản lý vốn. Điều đáng chú ý là không đơn vị Trung Quốc nào có tên trong danh sách.

Quỹ đầu tư mới được gọi là Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA). Đây là cơ quan phân bổ vốn cho các dự án hạ tầng tham vọng của Tổng thống Joko Widodo.

Indonesia đặt mục tiêu cuối cùng sẽ có 20 tỷ USD trong quỹ, nhằm thúc đẩy nền kinh tế 1.000 tỷ của nước này. Jakarta có kế hoạch góp vốn ban đầu 5 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD từ ngân sách nhà nước, 4 tỷ USD từ việc chuyển cổ phần và tài sản trong các tập đoàn nhà nước.

Quỹ sẽ vận hành trong Quý I năm nay, theo South China Morning Post.

quy dau tu quoc gia indonesia anh 1

Tổng thống Joko Widodo có một số dự án hạ tầng tham vọng. Ảnh: AP.

Không mời gọi đầu tư của Trung Quốc

Hiện 5 tổ chức quản lý quỹ nước ngoài đã cam kết đầu tư tổng cộng 9,8 tỷ USD vào INA. Tuy nhiên, Kevin O’Rourke, người biên tập của Reformasi - một bản tin chuyên về Indonesia, lưu ý sự vắng mặt của các đơn vị từ Trung Quốc.

Theo O'Rourke, điều này có thể vì Indonesia cố tránh các khoản đầu tư mà Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thông qua đó để tác động đến các dự án hạ tầng quan trọng của Indonesia. Ông O’Rourke nói INA được thiết kế để duy trì kiểm soát của nhà nước đối với các dự án hạ tầng quan trọng.

“Dù họ không công nhận, vẫn có những đồn đoán rằng lý do sâu xa của cơ quan quản lý nhà nước chính là sự lo ngại các dự án quan trọng sẽ bị Trung Quốc làm chủ”, ông O’Rourke nói.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Indonesia năm 2020, ở mức 4,8 tỷ USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với mức của Singapore là 9,8 tỷ USD. Hong Kong và Nhật Bản theo sau với 3,5 tỷ USD2,6 tỷ USD.

Esther Sri Astuti, chuyên gia tại Viện Phát triển Kinh tế Tài chính ở Jakarta, nói số dự án đầu tư hiện nay của Trung Quốc ở Indonesia là một trong những lý do mà Trung Quốc chưa được tiếp cận để mời gọi đầu tư vào quỹ INA.

“Indonesia đang cố gắng đa dạng hóa thành phần nhà đầu tư, giảm rủi ro, mời gọi đầu tư từ các nước khác”, bà nói. “Tâm lý chống Trung Quốc ở Indonesia vẫn rất lớn. Vì vậy, chính phủ buộc phải tìm đến các nước khác ngoài Trung Quốc”.

Các thách thức đối với quỹ của Indonesia

Quỹ đầu tư quốc gia của Indonesia cũng gặp không ít thách thức. Một trong số đó là nghi vấn của nhà đầu tư nước ngoài về việc có thể tin tưởng giao tiền cho một chính phủ từng để xảy ra nhiều vụ tham nhũng hay không.

Hai thành viên nội các của Tổng thống Widodo từng mất chức vì tội danh tham nhũng.

Edhy Prabowo, cựu bộ trưởng phụ trách thủy lợi, bị cáo buộc nhận 3,4 tỷ rupiah Indonesia (tương đương 243.000 USD) để trao giấy phép xuất khẩu ấu trùng tôm hùm.

Trong khi đó, Juliari Batubara, cựu bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội, bị cáo buộc nhận 17 tỷ rupiah (1.217.000 USD) từ các nhà cung cấp dịch vụ trợ cấp xã hội cho người nghèo. Hai quan chức này đều đang ngồi tù đợi phiên xét xử.

quy dau tu quoc gia indonesia anh 2

Một dự án đường cao tốc lớn đang được xây dựng ở Indonesia. Ảnh: Reuters.

Indonesia tụt 17 bậc, xuống thứ 102 trên 180 nước được xếp hạng trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2020.

Nước này cũng rớt từ vị trí thứ 72 xuống 73 về Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh do Ngân hàng Thế giới xếp hạng, vốn nhìn vào quy định kinh doanh và cải cách ở 190 nền kinh tế.

“Nếu chính phủ kém năng lực và tham nhũng, quỹ đầu tư quốc gia thực ra có thể tạo thêm mâu thuẫn và khủng hoảng, thay vì thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Tôi nghĩ Indonesia nên tập trung vào các vấn đề cơ bản như đảm bảo thuận lợi cho việc kinh doanh”, Pushan Dutt, giáo sư kinh tế và chính trị tại INSEAD ở Singapore, nói với South China Morning Post.

“Có một quỹ đầu tư quốc gia sẽ đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề cốt lõi”, giáo sư Dutt nói.

Các nhà phân tích nói ngoài việc bổ nhiệm các lãnh đạo có năng lực quản lý quỹ INA, Indonesia cần đề ra chi tiết về sứ mệnh của quỹ, các chiến lược đầu tư tài chính, và các yêu cầu báo cáo để giảm lo ngại của giới đầu tư về cách quản lý quỹ.

“Câu hỏi quan trọng là những cơ chế giám sát, kiểm tra, báo cáo như thế nào, và tính minh bạch của quỹ ra sao?”, chuyên gia Pushan nói. “Đây là những điều làm cho một quỹ đầu tư quốc gia tốt hơn các quỹ khác vốn có cách quản lý yếu kém, như 1MDB của Malaysia”.

Vị chuyên gia này chỉ ra một thách thức với INA là Indonesia không có các điều kiện - thường là cần thiết - để lập ra quỹ đầu tư quốc gia.

Các quỹ đầu tư quốc gia thường được lập ra ở những nước “có thặng dư khổng lồ và có dự trữ ngoại tệ lớn cần đầu tư”, như Singapore, hoặc các nước “phong phú về tài nguyên thiên nhiên”, như Na Uy hoặc một số nước Trung Đông.

Indonesia dường như không có những điều kiện này. “Indonesia đang thâm hụt ngân sách, không có dự trữ ngoại tệ lớn, và nhập khẩu dầu nhiều hơn là xuất khẩu”, ông Pushan nói. “Tôi khó có thể thấy được sự cần thiết của một quỹ đầu tư quốc gia”.

'Người bạc' ở Indonesia

Những người đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em Indonesia, mất việc vì đại dịch Covid-19, phải làm "người bạc" - hay còn gọi là nhân tượng - vào ban đêm để mưu sinh.

Hổ sổng chuồng ở Indonesia, một nhân viên vườn thú thiệt mạng

Hai con hổ Sumatra trốn khỏi vườn thú ở Borneo, Indonesia. Một con bị bắn chết trong khi con còn lại vẫn lẩn trốn. Thi thể của một nhân viên vườn thú được tìm thấy với vết cắn.

Trọng Thuấn

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm