20h, trên một trong những ngã tư sầm uất nhất phía tây thủ đô Jakarta, Indonesia, ba người đàn ông trong lớp sơn màu kim loại phủ từ đầu đến chân đứng trên lối đi bộ, mỗi người cầm một chiếc lon cũng phủ màu bạc.
Không còn lựa chọn nào khác
Alfan, 25 tuổi, là một trong số đó. Khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, Alfan đi trong im lặng trên đôi chân trần và đứng trước dòng xe cộ đang dừng lại. Anh cúi đầu thật thấp trong vài giây và sau đó thực hiện tư thế bức tượng: đứng thẳng, đưa tay phải lên trán, làm hành động chào, không chớp mắt và giữ như vậy trong khoảng một phút.
Vào cuối màn trình diễn ngắn ngủi của mình, Alfa cúi đầu thấp hơn nữa và tiếp cận các tài xế để xin ít tiền quyên góp. “Tôi sẽ về nhà khi có đủ tiền. Ngày hôm trước, tôi nhận được 80.000 rupiah (5,70 USD) trước 22h nên tôi đã về nhà sớm”, Alfan nói.
Một "người bạc" len lỏi giữa dòng xe tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: The Guardian. |
Alfan là cha của 2 con nhỏ, là một trong số rất nhiều người Indonesia túng thiếu biểu diễn nghệ thuật đường phố manusia silver, hay còn gọi là người bạc (silverman), để kiếm sống trong mùa đại dịch. Anh từng là tài xế xe tải nhỏ nhưng hiện thất nghiệp vì dịch Covid-19.
Theo anh chia sẻ, hỗn hợp sơn màu bạc bao gồm dầu ăn và sơn bóng, loại thường được dùng để in lụa, cùng một thứ nguyên liệu rẻ tiền khác.
“Loại sơn này gây ngứa rất nhiều. Nó làm da tôi tổn thương. Mọi người cũng hay hỏi có phải chúng tôi say rượu không, vì mắt chúng tôi bị đỏ, nhưng đó là do chất sơn mạnh đã làm mắt chúng tôi bị kích ứng”, Alfan nói.
Trước khi đại dịch xảy ra, Alfan cho biết mỗi ngày anh có thể kiếm được 100.000-150.000 rupiah từ chiếc xe tải hoặc xe angkot của mình. Nhưng bây giờ, rất khó để tìm thấy hành khách và anh chỉ có thể kiếm được khoảng 30.000 rupiah/ngày.
“Khoản thu nhập như vậy không đủ mua sữa cho con tôi. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ lái xe vào buổi sáng và làm công việc 'người bạc' này vào ban đêm. Lúc đầu, tôi thấy ngại khi phải đứng trước nhiều người nhưng tôi không nghĩ mình có quyền chọn lựa”.
“Đến tận hôm nay, tôi chưa nhận được bất kỳ khoản trợ cấp xã hội nào nên tôi phải làm công việc này để sinh tồn. Chúng tôi không làm gì sai, chúng tôi không ép buộc mọi người đưa tiền cho chúng tôi. Nếu họ cho chúng tôi tiền, cảm ơn chúa trời. Nhưng nếu không, cũng không sao,” Alfan chia sẻ.
Buộc phải làm "người bạc" vì Covid-19
Người đứng đầu cơ quan an sinh xã hội thủ đô Jakarta, Ngapuli Peranginangin, cho biết sự xuất hiện của "người bạc" là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong đại dịch.
Theo Statistics Indonesia (BPS), 2,67 triệu người đã mất việc làm kể từ khi dịch bùng phát, đưa tỷ lệ thất nghiệp lên con số 7,07% vào tháng 8/2020, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi, khoảng 1,63 triệu người Indonesia rơi vào cảnh nghèo đói trong tháng 3/2020, nâng tổng tỷ lệ này lên 9,78%, tương đương 26,4 triệu người.
“Loại hình nghệ thuật này bắt đầu xuất hiện trên đường phố sau đại dịch Covid-19. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ trước đây”, ông Ngapuli nói với trang Guardian. Ngoài ra, ông cũng cho biết cảnh sát đã bắt đầu vào cuộc để “đưa mọi thứ vào trật tự”, khiến số lượng “người bạc” cũng bắt đầu giảm dần theo.
Bên kia đường nơi Alfan đứng, còn có Desi, 25 tuổi, cô đang ngồi dưới gốc cây trên lối đi bộ, cố nghỉ ngơi một chút. Cơ thể và mái tóc dài của cô cũng được phủ một lớp sơn bạc lấp lánh.
Người phụ nữ mang thai này cũng phủ lên người một lớp sơn bạc, bất chấp những nguy hiểm về sức khoẻ. Ảnh: The Guardian. |
Chồng của Desi là một tài xế lái xe angkot. Anh làm việc vào buổi sáng và ban đêm là lượt làm việc của Desi bằng công việc làm "người bạc".
“Năm trước, tôi làm việc trong một cửa hàng nhưng sau những lần giãn cách xã hội quy mô lớn, chủ cửa hàng đã quyết định cắt giảm một số nhân viên, trong đó có tôi, vì anh ấy không thể trả lương cho chúng tôi. Tôi đã cố gắng tìm việc làm ở nhiều nơi nhưng không ai chịu nhận tôi”, Desi than phiền.
“Tôi bắt đầu đến con đường này tầm 18 chiều mỗi ngày để tránh cảnh sát, họ thường tuần tra vào ban ngày”, cô nói thêm.
Hơn ai hết, Desi hiểu rõ những tác hại của lớp sơn đến cơ thể, nhưng cô không còn lựa chọn nào khác.
Cô kể: “Tôi bị phát ban khắp cơ thể, tôi phải tắm hai lần, đầu tiên là bằng nước rửa chén, vì đó là cách duy nhất tôi có thể tẩy lớp sơn đi, và lần cuối cùng là bằng xà phòng. Nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi nhưng chúng tôi cần tiền, chúng tôi còn hai con nhỏ ở nhà, đứa thứ nhất mới ba tuổi, đứa thứ hai mới ba tháng”.
Ngapuli cho biết tổ chức của ông cũng thường bắt gặp những đứa trẻ biểu diễn như thế trên đường phố. Theo ông, những đứa trẻ này tự nguyện, chỉ đơn giản là để kiếm tiền tiêu vặt.
Trẻ em Indonesia cũng làm công việc này. Ảnh: The Guardian. |
Tuy nhiên, Tổng thư ký của Liên minh Phụ nữ Indonesia (KPI), Mike Verawati, cho rằng những đứa trẻ tham gia công việc được người lớn tổ chức và đây là hành vi bóc lột trẻ em.
“Chính phủ cần làm việc cùng các nhóm hỗ trợ cộng đồng để giúp đỡ những đứa trẻ, giúp chúng được học hành trong thời gian đại dịch, mặc dù chúng không thể đến trường. Chính phủ phải can thiệp để những đứa trẻ kia không phải trở lại đường phố”, Mike nói.