Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan chức Indonesia cảnh báo về luật hải cảnh Trung Quốc

Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia cảnh báo luật hải cảnh mới của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra "xung đột lan rộng" vào lãnh hải của Indonesia.

"Với việc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông và cân nhắc phản ứng từ các nước lớn có lợi ích ở vùng biển đó, xung đột có nguy cơ leo thang", Phó đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, nói trong phiên điều trần ở quốc hội vào đầu tuần này.

Ông Aan đang đề cập đến luật hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2, theo South China Morning Post. Luật này cho phép các tàu tuần duyên Trung Quốc sử dụng "mọi phương tiện cần thiết", bao gồm cả tấn công phủ đầu bằng vũ lực, để chống lại điều họ gọi là mối đe dọa từ các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Lực lượng hải cảnh của Trung Quốc cũng được trao quyền bắt giữ hoặc ra lệnh cho tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tự xưng là "thuộc quyền tài phán" của mình.

Luat Hai canh Trung Quoc anh 1

Luật hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2. Ảnh: AP.

Philippines đã gửi công hàm phản đối luật này của Trung Quốc. Trong khi đó, ngoại trưởng Nhật Bản cho biết Tokyo "quan ngại mạnh mẽ" về động thái này của Bắc Kinh.

Bình luận về việc luật hải cảnh mới của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/2 yêu cầu các nước “không có hành động gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

“Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế và UNCLOS, không có các hành động gia tăng căng thẳng...”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời Zing.

Hiện Indonesia không có bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh tuyên bố bao gồm cả vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Đây là một trong những lý do gây căng thẳng cho quan hệ song phương giữa hai quốc gia này.

Mô hình tàu sân bay bằng băng khổng lồ ở Trung Quốc Một nhóm 19 người đã dành gần 3 tuần để hoàn thành mô hình tàu sân bay bằng băng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Việt Nam phản ứng với luật hải cảnh vừa có hiệu lực của Trung Quốc

Bình luận về việc luật hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực ngày 1/2 vừa qua, Bộ Ngoại giao nói Việt Nam yêu cầu các nước “không có hành động gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông.

Hai 'khuôn mặt' của hải cảnh Trung Quốc

Sự lớn mạnh của hải cảnh Trung Quốc đặt ra thách thức cho các nước trong khu vực, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh thông qua luật cho phép lực lượng này nổ súng với tàu nước ngoài.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm