Phát biểu trong cuộc họp báo tại Lào ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố đã "đạt được đồng thuận quan trọng" riêng với Brunei, Lào, Campuchia, đồng thời cho rằng tranh chấp Biển Đông không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN.
Tại diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 25/4, cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho biết ông rất bất ngờ với thông báo này.
Theo ông Ong, thông báo về "thoả thuận riêng" với 3 nước không khác gì tuyên bố Trung Quốc đang can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực.
Cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong . Ảnh: Reuters |
"Việc ngoại trưởng Trung Quốc thông báo về hai quốc gia không có tranh chấp chủ quyền, cụ thể là Campuchia và Lào, đối với tôi dường như là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN", Straits Times dẫn lời cựu tổng thư ký ASEAN nói.
Ông Ong cũng cho biết ASEAN hợp tác với Trung Quốc dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, một sáng kiến mà ông Vương từng có liên quan trước đây.
Trong khi đó, Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore, đồng ý với ông Ong rằng "cái gọi là sự đồng thuận" không phải là "một diễn biến tích cực".
"Nó có thể được hiểu là một phương tiện để chia rẽ ASEAN và có khả năng đi trước phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực trong khoảng một tháng nữa hoặc lâu hơn", ông nói, nhắc đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền.
Ông đồng thời khẳng định mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chia rẽ ASEAN đều rất "thiển cận", vì một ASEAN bị chia rẽ sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc
tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với một số quốc gia ASEAN . Đồ hoạ: Economist |
Cựu ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirajuda lo ngại rằng ASEAN không thể đối phó với những căng thẳng ngày càng gia tăng, hoặc giải quyết các tranh chấp và tình huống hiện nay một cách hòa bình.
Tuy nhiên, Ong khẳng định Singapore, với tư cách điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, ông sẽ cố gắng hết sức để duy trì vị thế của ASEAN.
Trong các cuộc gặp ngoại trưởng và cấp cao gần đây, ASEAN đều ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông.
Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với 4 trong 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bắc Kinh tuyên bố sở hữu 80% diện tích Biển Đông, bất chấp nó chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.