Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ đạt thỏa thuận riêng với Lào, Campuchia về Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã "đạt được đồng thuận quan trọng" riêng với Brunei, Lào, Campuchia, cho rằng tranh chấp Biển Đông không ảnh hưởng tới quan hệ TQ - ASEAN.

"Vấn đề Biển Đông không phải tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN. Nó không ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN", Reuters trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Vientiane, Lào hôm 23/4.

ASEAN trong các cuộc gặp ngoại trưởng và cấp cao gần đây đều có ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Đông. Diễn biến mới có thể sẽ gây khó khăn hơn để lãnh đạo ASEAN đồng thuận để ra được tuyên bố này. 

tranh chap Bien Dong anh 1
Ông Vương Nghị phát biểu tại Lào ngày 23/4. Ảnh: 

fmprc.gov

Trên thực tế, 4 trong 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Bắc Kinh tuyên bố sở hữu 80% diện tích Biển Đông, bất chấp nó chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Tranh chấp về vấn đề lãnh hải là vấn đề gây tranh cãi nhất của ASEAN. Các thành viên của tổ chức này đang phải cố gắng điều chỉnh và hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn của ASEAN.

tranh chap Bien Dong anh 2
Trung Quốc cải tạo đảo trái phép tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Một nhóm, bao gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan và Myanmar, đã bày tỏ mối quan tâm đến tình trạng căng thẳng gia tăng trên Biển Đông trong tháng 2. Các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc gây căng thẳng và có thể phá hoại hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, ASEAN cho biết trong một tuyên bố tại thời điểm đó.

Mỹ chỉ trích hành vi xây dựng trái phép của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và đã điều tàu chiến, máy bay tiến lại gần các đảo Trung Quốc kiểm soát trái phép để khẳng định quyền tự do hàng hải. Washington khẳng định, họ sẽ tiếp tục các hành động tương tự trong tương lai gần.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.


Kim Ngân - Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm