Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đông Nam Á thay thế chiến đấu cơ già nua vì TQ bành trướng

Các nước Đông Nam Á đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện sức mạnh cơ bắp trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Reuters dẫn lời các nhà môi giới vũ khí cho biết, sau hơn 5 năm tạm lắng, nhu cầu mua bán vũ khí ở khu vực Đông Nam Á đang có dấu hiệu tăng. Trong thời gian tới, các nước trong khu vực có thể chi nhiều tỷ USD cho các hợp đồng mua bán khí tài quân sự, trong đó có chiến đấu cơ hiện đại nhằm thay thế những “con chim sắt” già nua.

Dong Nam A thay the chien dau co gia nua anh 1
Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Thái Lan. Ảnh:

Defenseindustrydaily

Hội nghị thương mại được tổ chức tuần này tại Kuala Lumpur, Malaysia, dự kiến thu hút đông đảo các công ty sản xuất vũ khí nổi tiếng của Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ.

Sau nhiều năm trì hoãn, năm nay, Malaysia bắt tay vào tìm phương án thay thế loại chiến đấu cơ MiG-29 già nua mà nước này mua từ những năm 1990 từ Nga.

Theo các nguồn tin, Kuala Lumpur có thể tiêu tốn 2,5 tỷ USD để mua 18 phản lực chiến đấu mới. "Ứng viên" sáng giá là Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển, Eurofighter Typhoon của châu Âu, Sukhoi Su-30 của Nga, JF-17 của Trung Quốc – Pakistan và Dassault Rafale của Pháp. Bộ Quốc phòng Malaysia chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này.

Thái Lan đang sở hữu loại phi cơ Northrop F-5 và Lockheed Martin F-16 nhưng chúng tương đối lỗi thời nên Bangkok quyết định mua tiêm kích phản lực Saab Gripen của Thụy Điển.

Theo các nguồn thạo tin, quá trình đàm phán đang diễn ra để Bangkok có thể mua thêm những chiếc Saab JAS 39 Gripen mới.

Trong khi đó, Indonesia chọn Sukhoi Su-35 và Su-30 của Nga để thay thế những chiếc F-16 đã lỗi thời. Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa Indonesia và công ty vũ khí Nga chưa được công bố.

Một thông tin cho rằng Indonesia đang hợp tác với Hàn Quốc để chế tạo mẫu chiến đấu cơ KF-X dưới sự hỗ trợ của tập đoàn Lockheed của Mỹ. Tuy nhiên, Lockheed từ chối bình luận về thông tin này.

Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, bên cạnh nhà cung cấp truyền thống là Nga, Việt Nam đã đàm phán sơ bộ với Saab của Thụy Điển và Dassault của Pháp để mua ít nhất 12 chiến đấu cơ. Ngoài ra, mẫu tiêm kích Sukhoi Su-35 cũng đang được quan tâm. Tuy nhiên, đại diện Rosoboronexport, cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga, từ chối đưa ra bình luận.

Miễn cưỡng trả lời các phóng viên, quan chức các nước Đông Nam Á khẳng định, chiến đấu cơ thế hệ mới được quan tâm bởi lo ngại về sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã xây dựng hàng loạt sân bay trên các đảo nhân tạo phi pháp - được bồi lấp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hồi đầu tuần, Trung Quốc lần đầu đáp máy bay quân sự xuống đường băng trên đá Chữ Thập, làm dấy lên quan ngại Bắc Kinh sẽ triển khai chiến đấu cơ bất hợp pháp ở Trường Sa.

Craig Caffrey, nhà phân tích của Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s, nhấn mạnh Trung Quốc dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ dừng lại. Trong khi đó, Trung Quốc luôn khẳng định việc làm của họ là cần thiết để tự vệ động thời cáo buộc Mỹ và các quốc gia khác đang “quân sự hóa” khu vực.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.

TQ có thể xây nhà máy điện hạt nhân phục vụ mưu đồ Biển Đông

Bắc Kinh đang tiến gần hơn tới việc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển nhằm hỗ trợ các dự án của Trung Quốc trong tham vọng bá quyền Biển Đông.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm