Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu cầu Trung Quốc rút máy bay chiến đấu ra khỏi Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết VN kiên quyết phản đối TQ đưa máy bay chiến đấu tới quần đảo Hoàng Sa đồng thời yêu cầu Bắc Kinh hành động có trách nhiệm trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Hoàng Hà

Trong cuộc họp báo chiều 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra khu vực thuộc Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình trong khu vực.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực và không tái diễn", ông Lê Hải Bình phát biểu.

Người phát ngôn nói thêm rằng với vị trí là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 cũng như tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Trung Quoc dua may bay chien dau toi Hoang Sa anh 1

Ảnh vệ tinh ngày 7/4 chụp J-11 Trung Quốc trên đường băng ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Ảnh: 

ImageSat

Trong một diễn biến liên quan, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc ngoại trưởng Nga nói rằng các vấn đề Biển Đông, các nước nên tự giải quyết, không nên quốc tế hóa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:

"Lập trường của Việt Nam với vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán, được nhắc lại nhiều lần. Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và dự trên tinh thần DOC".

"Đối với những vấn đề chỉ liên quan tới hai nước, các bên giải quyết song phương. Những vấn đề khác, chẳng hạn như Trường Sa, cần có sự tham gia của các bên liên quan. Với những vấn đề liên quan tới các nước ngoài khu vực, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, cần có sự bàn bạc, thảo luận giữa các bên", ông Lê Hải Bình nói.

Trung Quoc dua may bay chien dau toi Hoang Sa anh 2
Vị trí đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Đồ họa: Telegraph

Trước đó, Fox News đăng ảnh vệ tinh cho thấy chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hình ảnh được ImageSat International chụp ngày 7/4. Ngày 12/4, các quan chức Mỹ xác nhận tính xác thực của bức ảnh chụp 3 chiếc Shenyang J-11 ở Phú Lâm. Đây là mẫu tiêm kích phản lực sửa đổi từ Su-27 của Nga. Nó tương đương với F-15 hay F/A-18 Hornet của quân đội Mỹ.

Ngoài máy bay, ảnh vệ tinh cũng phát hiện radar điều khiển hỏa lực mới của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Nó được sử dụng cho hệ thống tên lửa đất đối không mà Trung Quốc triển khai trên đảo. Ngoài ra, 4 trong 8 bệ phóng tên lửa đất đối không của Trung Quốc ở phía đông hòn đảo đã sẵn sàng hoạt động.

Ngày 17/2, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cũng đăng ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai tên lửa HQ-9 tới đảo Phú Lâm. Đây là loại vũ khí đối không tầm trung, có khả năng đe dọa các loại máy bay do thám, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ của Mỹ nếu nó áp sát những khu vực Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa.

Trong tháng 11/2015, Trung Quốc cũng bị cáo buộc triển khai J-11 tới Phú Lâm. Đây là thực thể Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng từ năm 1974. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu tới quần đảo Hoàng Sa và cải tạo bồi lấp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp. Trong đầu thập niên 1990, Trung Quốc tiến hành xây dựng đường băng trên đảo. Phú Lâm nằm cách Hải Nam, nơi Bắc Kinh đặt căn cứ tàu ngầm lớn, 350 km về phía đông nam.

Tháng 7/2012, Trung Quốc lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm nhằm thâu tóm Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời đưa 613 người, chủ yếu là ngư dân, tới đây. Một năm sau, số công dân Trung Quốc sinh sống bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam là hơn 1.000 người, gồm binh lính, quan chức chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa" cùng thân nhân những người này.

Phát hiện chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Phú Lâm

Ảnh vệ tinh phát hiện Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-11 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực.



Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm