"Chúng tôi phải đẩy mạnh việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang để đáp ứng nhu cầu phòng vệ. Philippines là điểm trung chuyển tự nhiên của các tuyến hàng hải vào Thái Bình Dương. Chúng tôi đang cân nhắc liệu có cần thiết thành lập một hạm đội tàu ngầm hay không", AFP dẫn lời ông Benigno Aquino nói.
Theo tổng thống Philippines, nước này có thể mất toàn bộ bờ biển phía tây đất nước nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trọng với khoảng 1/3 lượng dầu thế giới được chuyên chở qua khu vực này.
Tàu ngầm USS Ohio của Mỹ tại cảng Subic của Philippines hôm 22/3. Ảnh: Rappler |
Philippines chưa từng vận hành tàu ngầm và hiện vẫn phụ thuộc vào các tàu của Mỹ. Quốc gia này đang tập trung đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng để đối phó với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực, với 115,8 tỷ peso (khoảng 2,5 tỷ USD) trong năm 2016.
Tuy nhiên, con số này vẫn cách khá xa so với Trung Quốc. Trong năm nay, Bắc Kinh đề xuất chi 954 tỷ nhân dân tệ (147 tỷ USD), gấp 59 lần so với tổng chi tiêu dành cho quân sự của Manila.
Ông Aquino, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 tới, cho biết: "Chúng tôi không bao giờ ảo tưởng về việc sẽ cố gắng để bắt kịp, cố gắng để tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào hay phát triển quân đội". Theo tổng thống Philippines, với một đất nước nghèo khó, việc phát triển kinh tế quan trọng hơn chạy đua vũ trang.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có chủ quyền hầu hết Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới, bất chấp sự phản đối của các quốc gia Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh liên tục bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vào tháng 2, Trung Quốc ngang nhiên triển khai trái phép hệ thống phòng không HQ-9 và điều máy bay tiêm kích J-11 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1/2013, yêu cầu tòa coi "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh là bất hợp pháp và không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia các buổi điều trần tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan. PCA dự kiến đưa ra phán quyết cuối cùng vào cuối năm nay.