Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đang tự cô lập mình

Trong cuộc trao đổi trực tuyến ngày 29/3, giáo sư Peter Dutton thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ khẳng định Trung Quốc đang tự cô lập mình vì chính sách gây hấn ở Biển Đông.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ảnh: CSIS

Giáo sư Dutton là giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ. Trong cuộc trao đổi trực tuyến với các phóng viên Việt Nam, ông khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Quan điểm của Washington là bảo vệ trật tự hàng hải toàn cầu dựa trên luật pháp để đảm bảo mọi quốc gia có quyền tiếp cận Biển Đông vì mục tiêu kinh tế - thương mại.

“Chúng tôi tổ chức các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông để bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền tiếp cận khu vực. Mỹ muốn đảm bảo rằng không quốc gia nào có hành vi bắt nạt hay thống trị khu vực. Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ an ninh cho các nước đồng minh và đối tác”, giáo sư Dutton giải thích.

Chuyên gia về luật hàng hải cho rằng việc Trung Quốc khẳng định “chủ quyền lịch sử” và xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông là hành vi xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và trật tự khu vực, ảnh hưởng xấu đến an ninh toàn châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quoc dang tu co lap vi gay han tren bien Dong anh 1
Giáo sư Peter Dutton. Ảnh: Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ 

Đòi hỏi vô lý, phi pháp

“Các đảo nhân tạo trái phép làm thay đổi điều kiện an ninh khu vực đáng kể. Kể cả Trung Quốc không quân sự hóa các đảo nhân tạo thì họ cũng có thể triển khai máy bay chiến đấu tới đó chỉ trong vài giờ. Như vậy, vai trò của các đảo nhân tạo có thể thay đổi nhanh chóng chỉ trong một đêm”, ông Dutton nhấn mạnh.

Giáo sư Dutton cũng chỉ trích việc Trung Quốc phản ứng tiêu cực với vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) để chống lại yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

“Thái độ của Trung Quốc là rất đáng tiếc và đáng lên án. Họ gọi vụ kiện của Philippines là hành vi không thân thiện. Vấn đề là không ai có thể coi việc giải quyết tranh chấp theo quy trình dựa trên luật pháp quốc tế là hành vi không thân thiện”, ông Dutton nói.

Chuyên gia hàng đầu nước Mỹ cũng chỉ rõ những hành vi khác xâm phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ví dụ điển hình là việc Bắc Kinh đòi “quyền quản lý tạm thời” ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông. “Tôi chưa bao giờ tìm thấy điều khoản hoặc tiền lệ nào trong luật pháp quốc tế cho phép một quốc gia thực hiện quyền quản lý tạm thời như vậy”, ông Dutton quả quyết.

Việc Trung Quốc khẳng định “chủ quyền lịch sử” và “quyền đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống” cũng hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Giáo sư Dutton nhấn mạnh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông không phải là đảo, do đó Bắc Kinh không thể đòi chủ quyền lãnh hải quanh các đảo này.

Giáo sư Dutton cũng cho rằng, mục tiêu của Mỹ khi thực hiện chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông không phải là chặn đứng và kiềm tỏa Trung Quốc. "Chúng tôi muốn khẳng định rằng Mỹ có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, các nước đối tác và đồng minh cũng có lợi ích tương tự và muốn duy trì trật tự khu vực. Chúng tôi muốn thể hiện rằng kể cả khi Trung Quốc tăng cường quân sự trong khu vực, Mỹ sẽ không rút lui", ông Dutton nhấn mạnh.

Giáo sư Dutton nói thêm, chiến lược của Washington là đảm bảo khả năng tiếp cận Biển Đông chứ không muốn thống trị khu vực và sẽ không để nước nào thống trị khu vực. "Chúng tôi cho Trung Quốc thấy ý chí quốc gia ở Biển Đông, cho thấy quyết tâm duy trì trật tự khu vực, để các nước không phải cúi đầu khuất phục trước nước láng giềng hùng mạnh", giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc nói.

Tự làm xấu hình ảnh quốc gia

Theo Giáo sư Dutton, đã có thời điểm quyền lực của Trung Quốc trong khu vực được tôn trọng, không bị xem là mối đe dọa. Trong nhiều năm, Trung Quốc thúc đẩy quyền lực mềm thông qua hợp tác kinh tế, do đó nhận được sự tôn trọng. Tuy nhiên mọi bước tiến đã bị xóa bỏ khi Bắc Kinh thay đổi chính sách vào khoảng năm 2008-2009.

Nước lớn chỉ được thừa nhận là cường quốc khi có chính sách kiềm chế và được tôn trọng. Nhưng thời gian qua Trung Quốc đã dùng chiến thuật bắt nạt các nước khu vực. Chính sách của Trung Quốc đã khiến nước này bị cô lập trong khu vực.

Chính quyền Trung Quốc cố tình đổ dầu vào lửa chủ nghĩa dân tộc để phục vụ chiến lược Biển Đông và chính sách nội địa. Đó là điều rất đáng tiếc. Trung Quốc không thể đổ lỗi là Mỹ can thiệp và quấy rối khiến khu vực phản ứng. Bởi chính các chính sách của Bắc Kinh đã làm xấu hình ảnh của nước này trên trường quốc tế.

Trung Quoc dang tu co lap vi gay han tren bien Dong anh 2
Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Lassen tuần tra trên Biển Đông hồi tháng 11/2015. Ảnh: Reuters

Cơ chế trọng tài tạo cơ hội đàm phán

Liên quan đến vụ kiện của Philippines, Giáo sư Dutton cho rằng, cơ chế trọng tài là cơ hội để các nước tăng cường đàm phán, giải quyết tranh chấp. PCA sẽ không giải quyết tranh chấp mà sẽ làm rõ các vấn đề của tranh chấp Biển Đông. Tòa án không xác định nước nào có quyền sở hữu các đảo, mà chỉ làm rõ quy mô tranh chấp để các nước có thể khẳng định quyền lợi ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước mình.

Như vậy, phán quyết của tòa án sẽ giúp thu hẹp các vấn đề của tranh chấp. Đó là cơ hội để các nước đàm phán thực chất. Còn nhớ Ấn Độ đã giải quyết tranh chấp với Bangladesh và Myanmar trên vịnh Bengal nhờ cơ chế trọng tài.

Ấn Độ chấp nhận phán quyết dù là quốc gia lớn hơn, hùng mạnh hơn Bangladesh và Myanmar. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đó tuyên bố cơ chế trọng tài giúp 3 nước bỏ lại tranh chấp phía sau để bắt đầu hợp tác hiệu quả.

Việc Việt Nam có nên kiện Trung Quốc hay không là vấn đề chính sách quốc gia, nhưng sử dụng cơ chế trọng tài là phương pháp hòa bình và hiệu quả để giải quyết tranh chấp.

Trung Quốc cần nhận ra sự tích cực của cơ chế trọng tài. “Việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận cơ chế tòa án trọng tài là hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là điều đáng thất vọng, bởi họ đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện rằng họ trỗi dậy hòa bình và hội nhập hoàn toàn với cộng đồng quốc tế”, ông Dutton đánh giá.

Theo Giáo sư Dutton, sẽ đến lúc Trung Quốc phải chùn bước trước áp lực của cộng đồng quốc tế. Sẽ đến lúc Trung Quốc không muốn bị xem là kẻ không tôn trọng luật pháp, đứng ngoài lề cộng đồng quốc tế. Ông hy vọng Trung Quốc sẽ làm điều đúng đắn.

Hiếu Trung

Bạn có thể quan tâm