Quan hệ kinh tế thời kỳ hiện đại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc bắt đầu vào năm 1992, sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm tới khu vực miền Nam nhằm thúc đẩy chương trình cải cách và mở cửa đất nước.
Sau hàng chục năm đối đầu, Bắc Kinh và Seoul thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 8/1992. Chỉ chờ có vậy, các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc lập tức đổ tới Trung Quốc để khai thác những tiềm năng to lớn của thị trường tỷ dân. Kể từ đó, Hàn Quốc và Trung Quốc trở thành những đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất của nhau, theo Bloomberg.
Đối tác trở thành đối thủ
Chỉ vài tháng sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập, các thỏa thuận hợp tác trị giá hàng trăm triệu USD đã được ký giữa doanh nghiệp hai nước trong hàng loạt lĩnh vực như xi măng, thép tạo hình nguội, thiếc tấm.
Sau 30 năm, thương mại giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, và Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, đã tăng trưởng gấp 50 lần, theo tính toán của Bank of America.
Quan hệ kinh tế song phương là một trong các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở Trung Quốc, giúp hàng triệu người thoát nghèo. Với Hàn Quốc, thị trường Trung Quốc giúp nước này có thêm động lực để phục hồi sau khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990.
Nhưng những năm tháng tươi đẹp đã qua đi, các thay đổi bắt đầu đến. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, hệ thống của Trung Quốc đã đi theo con đường khác.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong một lần phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Tập muốn nhà nước đóng vai trò lớn hơn, đặt ra các mục tiêu phát triển cho nền kinh tế. Trong số những tham vọng của Bắc Kinh, đáng chú ý là kế hoạch "Made in China 2025" nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chuyển sang sản xuất hiện đại, đe dọa trực tiếp Hàn Quốc.
Sau làn sóng hoài nghi mà "Made in China 2025" tạo ra ở nước ngoài, giới chức Trung Quốc không còn nhắc tới kế hoạch này. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải cân nhắc lại về quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Quan hệ thương mại song phương đã phát triển theo hướng ngày càng cạnh tranh chứ không phải bổ trợ lẫn nhau. Dù Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại số một của Hàn Quốc, hai nước xuất khẩu ra thế giới nhiều mặt hàng giống nhau, từ màn hình cho tới chip bán dẫn.
Một số sản phẩm hiện đại cũng như các ngành công nghiệp công nghệ cao mà hai bên cạnh tranh gồm điện tử, thiết bị quang học, hàng không vũ trụ, dược phẩm và ôtô.
Dù Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất mất thị phần về tay Trung Quốc, Seoul dường như thiệt hại lớn nhất ở châu Á trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh, bởi sự tương đồng lớn trong danh mục hàng xuất khẩu của hai nước.
Cơ hội của Mỹ
Sự kình địch ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có thể là cơ hội để chính quyền Tổng thống Joe Biden khai thác.
Washington đang tìm cách tái định hình các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng tập trung vào mạng lưới bạn bè, đồng minh và đối tác của Mỹ, thay vì phụ thuộc vào những đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Nỗ lực xây dựng lại chuỗi cung ứng là trọng tâm chương trình nghị của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khi bà thăm châu Á hồi tháng 7. Một trong các điểm đến của bà Yellen là trung tâm nghiên cứu, sản xuất của LG ở thủ đô Seoul.
Khi thăm Hàn Quốc hồi tháng 5, Tổng thống Biden đã đến một nhà máy sản xuất chip của Samsung ở ngoại ô Seoul. Tại đây, ông Biden ca ngợi nhà máy Samsung chế tạo được những con chip bán dẫn hiện đại nhất thế giới, đồng thời ca ngợi hợp tác chuỗi cung ứng giữa hai nước.
Tổng thống Biden và Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm nhà máy sản xuất chip của Samsung ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, ngay cả khi Mỹ dang rộng vòng tay chào mời, Hàn Quốc cũng không thể lập tức "trở mặt" với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ.
Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Seoul sau chuyến đi tới đảo Đài Loan, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã từ chối gặp bà trực tiếp. Thay vào đó, họ có một buổi điện đàm.
Hành động của Tổng thống Yoon vấp phải chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí từ cả những người ủng hộ ông.
Nhưng đồng thời, quyết định không gặp bà Pelosi cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc với Seoul. Lúc này, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn hoạt động ở Trung Quốc, trong đó có các nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Samsung và SK Hynix.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày một gay gắt, Hàn Quốc đối mặt bài toán nan giải bởi nếu càng gắn bó với Washington trên phương diện an ninh, rủi ro quan hệ kinh tế với Trung Quốc gặp tổn hại càng lớn.
Hàn Quốc là nước đặc biệt thấu hiểu hậu quả sẽ như thế nào một khi bị Trung Quốc chèn ép về kinh tế.
Năm 2016, sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên lãnh thổ của mình, Seoul bị Bắc Kinh áp đặt hàng loạt cấm vận. Hậu quả là Hàn Quốc thiệt hại ít nhất 5,9 tỷ USD.
"Những hậu quả từ xung đột năm ấy không dễ bị lãng quên ở Hàn Quốc, họ đối mặt thế tiến thoái lưỡng nan thực sự khi phải cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc", một bài viết trên Viện nghiên cứu Stimson nhận định.
Nhưng đồng thời, việc Trung Quốc có xu hướng sẵn sàng dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép các bên có mâu thuẫn chính trị, như sau này với Australia, cũng khiến giới doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu rút dần và tìm kiếm các thị trường mới.
"Dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chúng tôi cho rằng Hàn Quốc đang tìm cách giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc bằng cách củng cố quan hệ với Đông Nam Á và các thị trường mới nổi khác", Kathleen Oh, chuyên gia của Bank of America, nhận định.