Năm 2015 vừa qua, chính quyền Saudi đối mặt với hàng loạt vấn đề, như việc phiến quân tấn công các cộng đồng ở biên giới phía nam, người biểu tình đốt phá đại sứ quán ở Iran, nội chiến hoành hành ở các nước láng giềng.
Tình hình ngày càng ảm đạm khi giá dầu liên tục xuống thấp ảnh hưởng đến khả năng phản ứng trước tình huống khẩn cấp của Riyadh; trong khi đối thủ Iran đang quyết liệt gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.
Từng là đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở Trung Đông, những diễn biến mới của tình hình đang đẩy mối quan hệ lâu bền này trước những sức ép mới.
Giai đoạn gần đây, Saudi đã chọn những phản ứng đi ngược lại với lợi ích của Mỹ. Họ phát động cuộc chiến ở Yemen đầy tốn kém nhưng không hoàn toàn đánh bại phiến quân Houthi, mà còn giúp nhánh al-Qaeda ở đây mạnh thêm.
Saudi cũng xử tử hàng chục người bị cáo buộc khủng bố, bao gồm một giáo sĩ người Shiite nổi tiếng bất chấp ngăn cản từ Washington...
Đó là một Saudi sẽ đón Tổng thống Obama vào ngày 20/4. Tổng thống Obama hy vọng sẽ hàn gắn mối quan hệ đồng minh sau chuyến thăm - nhưng không ai dự đoán được kết quả sẽ đến đâu.
Tổng thống Obama trao đổi với Quốc vương Salman của Saudi Arabia trong chuyến công du hồi năm 2015. Ảnh: Politico |
"Nước Mỹ đã thay đổi, chúng ta cũng thay đổi, và chắc chắn chúng ta cần phải điều chỉnh lại sự hiểu biết về nhau", Hoàng thân Turki al-Faisal, cựu giám đốc tình báo của Saudi và cũng từng là đại sứ tại Mỹ, nói với báo New York Times.
Về cơ bản, Mỹ hỗ trợ quân sự và tình báo cho Saudi để bảo đảm an ninh khu vực. Trong khi đó, Saudi là lực lượng chiến đấu chống những nhóm khủng bố ở Trung Đông như al-Qaeda, đồng thời là nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ 2 cho Mỹ (khoảng một triệu thùng dầu mỗi ngày).
Saudi cần gì ở Mỹ?
70 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề xướng liên minh với Saudi Arabia kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, vương quốc Hồi giáo hướng đến Mỹ chủ yếu nhằm bảo đảm duy trì an ninh của nước này tại một khu vực bất ổn.
Saudi muốn được Mỹ ủng hộ, đặc biệt nếu có xung đột với Iran - đối thủ truyền thống trong khu vực. Sự ủng hộ ở đây cụ thể là trang thiết bị quân sự.
Mỹ đã hỗ trợ nhiều vũ khí cho Saudi để phòng ngừa Iran. Gần đây, Mỹ còn hỗ trợ tình báo và huấn luyện quân sự cho Saudi, đồng thời cung cấp hỗ trợ hậu cần và mục tiêu tấn công cho vương quốc Hồi giáo trong cuộc chiến tại Iran.
Trong chuyến thăm từ ngày 20/4, Tổng thống Obama dự kiến sẽ thông báo tăng cường phòng thủ tên lửa đạn đạo ở khu vực, cung cấp những hỗ trợ mới cho Saudi để chống lại các cuộc tấn công mạng từ Iran.
Anthony H. Cordesman, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định Saudi "ngày càng phụ thuộc vào quân đội Mỹ đối với những tình huống khẩn cấp".
Người ủng hộ phong trào Houthi ở Yemen phản đối cuộc không kích của Saudi. Ảnh: Getty |
Mỹ mong muốn gì từ Saudi?
Trong khi đó, đối với Mỹ, Saudi Arabia chính là nguồn gốc của sự ổn định tại Trung Đông. "Các tổng thống Mỹ muốn một mối quan hệ nghiêm túc với nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới", giáo sư F. Gregory Gause (Đại học Texas A&M), nói.
Ngoài ra, Saudi đã hợp tác với Mỹ trong chiến dịch chống các nhóm khủng bố Hồi giáo, điển hình như al-Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo (IS), một tổ chức tự xưng được xem là mối nguy hiểm trong khu vực và đe dọa trực tiếp đến an ninh của Mỹ. Washington cũng tranh thủ sự giúp đỡ của Riyadh để kết thúc cuộc nối chiến ở Syria kéo dài 5 năm qua.
Tuy nhiên, chính quyền Obama muốn Saudi phải thay đổi. Mỹ cho rằng những cộng đồng tôn giáo thiểu số và phụ nữ là những nhóm bị gạt ra ngoài lề.
Trong chuyến công du mới nhất, ông Obama dự kiến nêu quan ngại của Mỹ về tình hình nhân quyền ở Saudi, nhưng vấn đề thảo luận chính giữa 2 nhà lãnh đạo vẫn là tình hình an ninh trong khu vực.
Nhà Trắng luôn khẳng định liên minh Mỹ - Saudi vẫn vững mạnh. Tuy nhiên, một số bất đồng giữa 2 bên đã xảy ra gần đây, đến nỗi Rob Malley, cố vấn về Trung Đông của tổng thống Mỹ, hồi tuần trước thừa nhận "quan điểm của chúng tôi với một số đối tác trong khu vực, mà cụ thể là Saudi Arabia, không phải lúc nào cũng hoàn toàn trùng nhau".
Tổng thống Obama cũng không giấu diếm sự không hài lòng đối với Saudi Arabia.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 với tờ The Atlantic, ông Obama cho rằng vương quốc Arab đang tận dụng Mỹ để thực giải quyết những vấn đề của họ, và cho rằng Saudi nên học cách tồn tại chung với Iran, điều mà Riyadh chắc chắn không thể chấp nhận.
Bất đồng Saudi - Mỹ xảy ra thế nào?
Đối với Saudi, sự tự tin vào những hỗ trợ của Mỹ đã bị suy yếu từ năm 2011, sau khi họ cho rằng chính quyền Obama đã không ủng hộ đồng minh là ông Hosni Mubarak, vị tổng thống Ai Cập bị lật đổ trong phong trào Mùa xuân Arab.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay người đồng cấp Iran
Mohammad Javad Zarif tại một sự kiện. Việc Mỹ nồng ấm hơn với Iran khiến Saudi khó chịu. Ảnh: Reuters |
Tình hình nghiêm trọng hơn sau khi Tổng thống Obama tuyên bố "lằn ranh đỏ" trong việc ngăn chặn chính quyền Damascus dùng vũ khí hóa học, nhưng không có thêm biện pháp quân sự nào để thực thi việc này. Do vậy, Saudi hoài nghi về quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh ở khu vực.
Những năm sau đó, các hoài nghi của Saudi chuyển thành sự lo ngại sâu sắc, đặc biệt khi chính quyền Obama tỏ ra xích lại gần hơn đối với Iran nhằm đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi giới chức Mỹ hoan nghênh việc đạt thỏa thuận với Iran là một thành tựu to lớn, Saudi Arabia cho rằng sự tan băng giữa Washington - Tehran báo hiệu một dịch chuyển nguy hiểm trong cán cân quyền lực ở khu vực.
Riyadh lo ngại về những cuộc tấn công thông thường hoặc khủng bố từ Iran, và Mỹ có thể đang quay lưng lại với cam kết bảo vệ đã duy trì nhiều thập niên qua.
Ngoài những vấn đề trên, điều khiến một số quan chức Mỹ luôn cảnh giác về Saudi chính là vai trò của chính phủ vương quốc này trong vụ khủng bố ngày 11/9.
Gần đây, Saudi Arabia đã dọa sẽ trả đũa kinh tế đối với Mỹ, qua việc bán tài sản ở Mỹ trị giá đến hàng trăm tỷ USD, nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép truy trách nhiệm của Riyadh về sự liên quan trong những vụ khủng bố.
Tuy nhiên, Frederic Wehrey, nghiên cứu viên cao cấp thuộc chương trình Trung Đông tại Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định quan hệ Mỹ - Saudi dù biến động "nhưng sẽ không sụp đổ". Đó là do cả 2 bên vẫn cần sự hỗ trợ lẫn nhau.